Thời sự

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu trí thức, khoa học

PV 31/12/2024 - 11:45

Sáng nay, 30/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, trong không khí phấn khởi trước thềm năm mới 2025 và chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, khoa học có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.

Tham dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.

Cùng dự có các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; và 200 đại biểu trí thức, nhà khoa học có nhiều đóng góp, cống hiến cho đất nước…

v2.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu dự cuộc gặp mặt. Ảnh: Nghĩa Đức

Cuộc gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học lần này diễn ra trong bối cảnh Đảng ta vừa ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024, của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - một văn kiện mang tính định hướng chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo xung lực mới cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

v1.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và đồng chủ trì cuộc gặp mặt. Ảnh: Nghĩa Đức

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với những cơ hội và thách thức đan xen, trí thức và nhà khoa học được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa và xây dựng đất nước.

v3.jpg
Quang cảnh cuộc gặp mặt. Ảnh: Nghĩa Đức

Sự hiện diện của Tổng Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại cuộc gặp mặt thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, đồng thời là sự động viện, khích lệ to lớn để toàn thể đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Đảng đã đề ra.

v5.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tham dự và đồng chủ trì cuộc gặp mặt. Ảnh: Nghĩa Đức

Cuộc gặp mặt cũng là diễn đàn ý nghĩa để lắng nghe những ý tưởng, đề xuất, giải pháp sáng tạo, góp phần đưa khoa học, công nghệ thực sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của đất nước. Các nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Các ngành công nghiệp như điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, y sinh học... đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc nhờ vào nỗ lực của đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, giáo dục, lịch sử đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc dân tộc, xây dựng các giá trị văn hóa mới, phù hợp với thời đại.

Đội ngũ trí thức, nhà khoa học đã tham gia tích cực vào việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Văn kiện Đại hội XIII, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển bền vững, chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế tri thức.

Về đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ: Nhiều đại biểu nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những đề xuất về việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu liên ngành, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp là rất xác đáng. Đây là hướng đi cần thiết để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn vượt lên ở một số lĩnh vực trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về chuyển đổi số và kinh tế tri thức: Các đại biểu thống nhất với ý kiến về việc khai thác tối đa tiềm năng của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ số để phát triển kinh tế tri thức. Đây là những lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước xác định là trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội những năm tới.

Về phát triển nguồn nhân lực: Các đề xuất về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; về chính sách thu hút trọng dụng nhân tài là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ.

Về xây dựng và phát huy vai trò của các hội trí thức: Tạo điều kiện cho các hội trí thức, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đóng góp ý kiến, tham gia hoạt động tư vấn, giám sát, phản biện, giám định xã hội.

PV