Cảnh giác khi chuyển tiền đặt cọc phòng khách sạn
Các đối tượng lừa đảo lập các website, fanpage giả mạo khách sạn, homestay rồi chiếm đoạt tiền đặt cọc của nạn nhân.
Thời gian qua, không ít các thương hiệu nghỉ dưỡng, du lịch bị kẻ xấu lợi dụng, giả mạo lừa chiếm đoạt tiền của khách hàng đặt phòng online.như: Amaya Retreat Sóc Sơn (Hà Nội), Glenda Tower Mộc Châu hay The Cliff & Residences (Phan Thiết) và rất nhiều resort, homestay, khách sạn ở khắp các địa điểm du lịch như Sapa, Cô Tô, Nha Trang…
Thủ đoạn của các đối tượng này là lập các fanpage giả mạo trên facebook rồi mua lượt like, lượt theo dõi và bình luận để tăng tương tác nhằm tạo niềm tin cho khách hàng.
Khi có “con mồi” tiếp cận, chúng tư vấn nhiệt tình và yêu cầu nạn nhân chuyển một khoản tiền cọc để giữ phòng, sau đó thì chặn mọi liên lạc.
Một người phụ nữ trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mới đây bị lừa mất 7 triệu đồng vì thủ đoạn như trên. Cụ thể, sau khi sau khi hoàn tất các bước chọn phòng, chị H nhận được yêu cầu đặt cọc trước 50%. Chị làm theo hướng dẫn nhưng các đối tượng thông báo cho chị H là việc chuyển tiền bị lỗi, chưa nhận được và đề nghị chuyển cọc sang một tài khoản khác, nếu không sẽ bị mất số cọc đóng ban đầu.
Sau đó, các đối tượng còn yêu cầu chị H truy cập đường link để hoàn tất thanh toán. Rất may có người bên cạnh cảnh tỉnh, chị H lập tức dừng thao tác và biết mình đã bị lừa, nếu không rất có thể bị “hack” tài khoản ngân hàng.
Theo các chuyên gia Bkav (Tập đoàn công nghệ hoạt động trong các lĩnh vực an ninh mạng, phần mềm, chính phủ điện tử,...) rất nhiều nạn nhân đã bị lừa từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng và cơ hội lấy lại gần như bằng không.
Bkav khuyến cáo người dùng cần đặc biệt nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại, mạng xã hội, các trang web có dấu hiệu lừa đảo. Trước khi đặt phòng khách sạn, homestay nên xác minh thông tin kỹ lưỡng, không nên tin và những tương tác trên mạng xã hội vì đó có thể là những tương tác ảo.