Loạt giải pháp cấp bách nhằm gỡ ‘thẻ vàng’ IUU của Quảng Ninh
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, các ngành chức năng, địa phương tại Quảng Ninh thời gian qua triển khai nhiều giải pháp với quyết tâm gỡ "thẻ vàng" thủy sản.
Các cơ quan chức năng của Quảng Ninh tập trung trọng tâm vào các hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển quyết liệt vào cuộc, phát huy tối đa vai trò tai mắt của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn khai thác thủy hải sản tận diệt.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ xử lý 92 vụ với 93 đối tượng và 93 phương tiện vi phạm các quy định về khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định, phạt tiền gần 1,4 tỷ đồng.
Theo Trung tá Phạm Hồng Tuyến - Chính trị viên Hải đội 2, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh, mặc dù đa số ngư dân đều chấp hành tốt chính sách pháp luật trong khai thác thủy sản; tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp có các hành vi vi phạm quy định.
Trước tình hình trên, Chỉ huy Hải đội Biên phòng 2 đã chủ động phối hợp với các Đồn biên phòng tuyến biển xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát thường xuyên; tập trung lực lượng tại các khu vực trọng điểm, điểm nóng có thể xảy ra các hoạt động vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng, sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp về các quy định, chính sách pháp luật quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển nuôi biển bền vững, gắn với thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về chống khai thác IUU.
Tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm tàu cá; thanh tra, kiểm tra trên biển...
Trong năm 2024, các lực lượng chức năng, UBND các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 29 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật thuỷ sản trực tiếp cho 3.682 lượt ngư dân; cấp phát 2.947 tờ rơi, tài liệu về quy định về chống khai thác IUU, bản đồ phân vùng, phân tuyến, nhật ký khai thác…
Các ngành, địa phương có biển của tỉnh đã tăng cường xử lý vi phạm hành chính; thanh tra, kiểm tra tại cảng cá; rà soát hồ sơ kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng; tăng cường công tác bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản để kịp thời chấn chỉnh, đảm bảo thực hiện tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 392 trường hợp vi phạm IUU, xử phạt số tiền trên 4,1 tỷ đồng. Công tác triển khai hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), kiểm soát tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài cũng thường xuyên được chú trọng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 257/257 tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 100%. Trong quá trình khai thác ngoài khơi, các lực lượng chức năng của tỉnh đều theo dõi chặt chẽ các tàu cá. Hàng tuần lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU và mất kết nối ngoài khơi gửi Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, UBND địa phương trong tỉnh và các tỉnh/thành phố ven biển để nắm bắt, phối hợp, kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, kiên quyết chống đánh bắt thủy hải sản trái phép, cùng cả nước nhanh chóng gỡ "thẻ vàng" do Ủy ban châu Âu cảnh báo với ngành thuỷ sản Việt Nam, trước mắt sẽ giúp các các sản phẩm thủy sản của nước ta dễ dàng tiếp cận, xâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Về lâu dài, đây còn là giải pháp để bảo vệ môi trường biển, bảo vệ sinh kế lâu dài của bà con ngư dân, tạo cơ hội phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững tại Việt Nam.