Y tế

Thực phẩm chức năng giảm cân, tăng chiều cao có thực sự như quảng cáo?

Thảo Lan 21/11/2024 - 06:59

Lợi dụng tâm lý người tiêu dùng có nhu cầu muốn giảm cân, tăng chiều cao nhanh, đối tượng lừa đảo thổi phồng công dụng sản phẩm, bán hàng không rõ nguồn gốc.

Hiện nay, thực phẩm chức năng được bán tràn lan qua các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Với những lời quảng cáo “có cánh”, ví thuốc như thần dược “dùng là hiệu quả”, nhưng thực tế thì không như lời đồn.

Để tăng lòng tin cho khách hàng khi bán thực phẩm hỗ trợ thúc đẩy chiều cao, ngoài thổi phồng là “hormone tăng chiều cao”, người bán còn tung những đoạn video phỏng vấn phụ huynh đã cho con sử dụng sản phẩm và chiều cao tăng như “Thánh Gióng”. Có bà mẹ quảng cáo con họ uống thực phẩm chức năng tăng chiều cao 1 năm lên được 22cm, thậm chí 6 tháng tăng 15cm. Có người còn quảng cáo “thần dược” tăng chiều cao dùng được cho người đã 23 tuổi, có thể cao thêm 3cm trong vòng 1 tháng.

Theo TS. Phan Bích Nga, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, bản chất của thực phẩm này là bổ sung các vi khoáng hoặc axít amin để hỗ trợ cơ thể tăng tiết chiều cao, chứ đó không phải là hormone. Hiện nay, chưa có bằng chứng về y khoa hiệu quả của thực phẩm chức năng làm tăng chiều cao.

Cũng tương tự, với những sản phẩm được cho là “giảm cân thần tốc, lấy lại vóc dáng”, người quảng cáo không ngần ngại tung hô sản phẩm giúp đào thải mỡ thừa mà không cần tập luyện, không cần nhịn ăn. Không ít chị em tin tưởng đã mua thực phẩm chức năng Tigi Max Plus về để mong được hiệu quả như lời đồn. Tuy nhiên báo chí đã đưa tin có 2 loại thuốc cấm trong một lô sản phẩm Tigi Max Plus, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không mua và không sử dụng.

thuc_pham_chuc_nang_gia-1732066755028.jpg
Thực phẩm chức năng giả bị Công an TP. Hồ Chí Minh thu giữ.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sản phẩm bảo vệ sức khoẻ Tigi Max Plus, số lô 0001, sản xuất ngày 20/1/2023, hạn sử dụng đến ngày 19/1/2026, số đăng ký 11127/2020, hộp 3 vỉ x10 viên, do Công ty cổ phần BIGFA sản xuất chứa 2 loại chất cấm là Sibutramine và Phenolphatalein. Hai chất cấm này có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim nên đã bị cấm lưu hành, sử dụng.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, bất chấp nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, chất cấm này vẫn có trong những sản phẩm được lưu hành tại Việt Nam. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phát hiện rất nhiều sản phẩm hỗ trợ giảm cân chứa 2 loại chất cấm trên và đã tiến hành thu hồi, xử phạt, khuyến cáo người dân không mua, không sử dụng. Tuy nhiên, các sản phẩm này trước đó đã bán trên thị trường, nhiều người mua để giảm cân và đã gặp hoạ. Nhiều người nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật, tổn thương não sau khi uống cà phê giảm cân chứa chất Sibutramine.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, Bộ đã cấp 6.653 giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông; 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công thương để xử lý theo thẩm quyền.

Bộ Y tế cũng cho biết, hiện nay xuất hiện nhiều hình thức mua bán thực phẩm chức năng mới như tư vấn bán hàng qua điện thoại. Tại đây, các đối tượng đã “nghiêm trọng hoá tình trạng bệnh” để đe dọa, bán hàng. Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng. Qua thanh tra phát hiện vi phạm chủ yếu là sản xuất thực phẩm chức năng giả.

Thảo Lan