Chợ đầu mối Nam Hà Nội hoạt động khi chưa nghiệm thu PCCC?
Mặc dù mới được chấp thuận kết quả PCCC của các hạng mục: Ban quản lý – trung tâm thương mại, nhà chợ truyền thống, khu kios chợ nông sản, thực phẩm thuộc “Chợ Bích Hòa dịch vụ thương mại”. Thế nhưng, theo người dân phản ánh, trước đó đã tổ chức cho nhiều tiểu thương buôn bán trong khuôn viên chợ.
Chợ đầu mối Nam Hà Nội (Chợ Bích Hòa) có địa chỉ tại xã Bích Hòa huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần chợ đầu mối Nam Hà Nội, chợ có quy mô gần 5ha (49.561 m2), tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, gồm: 509 căn kiot thương mại 2 tầng, 342 gian hàng tại chợ truyền thống, trung tâm thương mại 4 tầng, bãi đỗ xe với diện tích 10.000m2 phù hợp với tất cả các loại xe có tải trọng lớn, hệ thống đường giao thông 10 -12m.
Mặc dù được các cấp chính quyền ủng hộ, đặt niềm tin sẽ cung cấp các mặt hàng chủ đạo như nông sản, hải sản, rau củ quả, hoa, vải vóc, vật liệu xây dựng. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp ngân sách hàng năm cho nhà nước hàng chục tỷ đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện và khu vực. Tuy nhiên, từ khi xây dựng, công tác quản lý tại đây khiến người dân vẫn còn nhiều hoang mang. Cụ thể, trước đó Chợ đầu mối Nam Hà Nội được các cơ quan báo chí “réo tên” như Báo điện tử Dân Việt đã từng phản ánh việc Chợ đầu mối Nam Hà Nội Dù đang trong quá trình xây dựng hoàn thiện các hạng mục nhưng chợ đầu mối Nam Hà Nội đã cho hàng trăm tiểu thương vào buôn bán đăng tải ngày 04/1/2024.
Để tiếp tục tìm hiểu về tình hình hoạt động cũng như việc chấp hành pháp luật tại Chợ đầu mối Nam Hà Nội, ngày 19/9/2024 phóng viên Báo Công lý đã đặt lịch làm việc tại UBND xã Bích Hòa để tìm hiểu về những nội dung mà người dân phản ánh. Sau nhiều lần khất lịch làm việc, ngày 3/10 phóng viên đã được UBND xã Bích Hòa giới thiệu làm việc với Lãnh đạo Công ty CP chợ đầu mối Nam Hà Nội. Tại buổi làm việc, phía công ty có cung cấp 2 văn bản nghiệm thu PCCC, cụ thể:
Văn bản số 343/NT-PCCC của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hà Nội cấp ngày 21/3/2024 về việc Chấp thuận kế quả nghiệm thu PCCC Hạng mục hạ tầng kỹ thuật chữa cháy ngoài nhà thuộc "Chợ Bích Hòa dịch vụ thương mại".
Văn bản số 1100/NT-PCCC của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hà Nội cấp ngày 28/9/2024 của các hạng mục: Ban quản lý – trung tâm thương mại, nhà chợ truyền thống, khu kios chợ nông sản, thực phẩm thuộc “Chợ Bích Hòa dịch vụ thương mại”.
Khi phóng viên Báo Công lý đặt lịch làm việc ngày 19/9 thì phía Chợ đầu mối Nam Hà Nội chưa được chấp thuận nghiệm thu PCCC. Và khi liên hệ nhiều lần, đến ngày 3/10 phía UBND xã Bích Hòa mới sắp xếp được lịch làm việc với phía công ty. Dấu hỏi đặt ra về sự chậm trễ này liệu có “hàm ý” để đợi có văn bản chấp thuận PCCC ngày 28/9/2024 mới làm việc với phóng viên?.
Khi được hỏi Chợ đầu mối Nam Hà Nội hoạt động từ khi nào thì lãnh đạo phía Công ty cho biết: Theo chủ trương đầu tư thì chợ hoạt động từ tháng 6 đưa vào hoạt động thử nghiệm tất cả các vị trí.
Đánh giá về góc độ pháp lý, Luật sư Ngô Thành Ba - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Qua tra cứu tôi không tìm thấy văn bản pháp luật nào quy định về việc chợ hoạt động thử nghiệm liên quan đến PCCC. Theo quy định của pháp luật thì:
Khoản 1 Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã có quy định cụ thể về việc nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Cụ thể, đối với dự án, công trình có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC phải được chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu về PCCC. Chủ đầu tư công trình phải đề nghị cơ quan cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình vào sử dụng.
“Điều 15. Nghiệm thu, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy
1. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy. Chủ đầu tư, chủ phương tiện phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng.
Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao; riêng đối với các bộ phận của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo. Chủ đầu tư quyết định việc nghiệm thu từng phần công trình trong trường hợp khu vực được nghiệm thu đủ điều kiện vận hành độc lập, bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy và phải được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy kiểm tra kết quả nghiệm thu và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa phần công trình đó vào sử dụng”.
Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy được quy định tại Mục 7 Phụ lục V Nghị định 50/2024/NĐ-CP: 7. Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng có khối tích từ 3.000 m3 trở lên.
Hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 38 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư, xây dựng thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC:
“Điều 38. Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong đầu tư, xây dựng
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình, phương tiện giao thông cơ giới vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy”.
Nếu vi phạm về PCCC đến mức phải xử lý hình sự thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" với mức phạt tù cao nhất theo khoản 3 Điều 313 lên đến 12 năm tù.