Dự án xây dựng Trường THCS Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội: Hy hữu lý do “trượt thầu” của một số nhà thầu
Tại Gói thầu số 10 (xây dựng công trình và cung cấp lắp đặt thiết bị) thuộc Dự án Xây dựng trường THCS Láng Thượng (do Ban quản lý dự án quận Đống Đa chủ đầu tư), một trong các yêu cầu bị đánh giá “không đạt” của 3 nhà thầu là “biểu đồ huy động máy móc không phù hợp”. Lý do “loại thầu” này liệu có thực sự thuyết phục?
5/7 nhà thầu bị loại vì bị coi không đạt yêu cầu kỹ thuật
Gói thầu số 10 Xây dựng công trình và cung cấp lắp đặt thiết bị (thuộc Dự án Xây dựng trường THCS Láng Thượng tại số 159 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng) được tổ chức đầu thầu rộng rãi, trong nước, qua mạng; giá gói thầu là 104,073 tỷ đồng; thời gian thực hiện 360 ngày; bên mời thầu là Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa; Đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) là Công ty TNHH Tư vấn Đầu thầu Minh Kiệt.
Theo Biên bản mở thầu, gói thầu trên có 07 nhà thầu tham dự, gồm Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hòa Lâm - Công ty CP Gama Việt Nam (hơn 91,2 tỷ đồng); Liên danh Hoàng Hùng - SOTEK - Tân Thanh - Constrexim 8 - VINASECO (Liên danh Hoàng Hùng- hơn 95,2 tỷ đồng); Liên danh Công ty Á Châu- Việt Phú- Cường Thành- Thái Bình- Thế Kỷ- Long Phát (Liên danh Á Châu- hơn 99,1 tỷ đồng); Liên danh Nam Hải- Thái Hà- PCCC Việt Nam- CTCENVI- HATEC- Tuyết Nga (Liên danh Nam Hải- hơn 101,9 tỷ đồng); Liên danh Hạ tầng Hà Nội- Dầu Khí Toàn Cầu -An Nghĩa- Phương Nam- Nam Long - Công nghiệp và Hạ tầng - Nước Việt – HABACO (liên danh Hạ tầng Hà Nội- hơn 103 tỷ đồng); Liên danh nhà thầu Công Nghệ Mới Đức Việt- Năng lượng Hà Nội- Bảo An (hơn 103,7 tỷ đồng; Liên danh Tổng công ty 789 (hơn 103,9 tỷ đồng).
Ngày 1/11/2024, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa ban hành Quyết định số 496/ QĐ- BQLDAĐTXD phê duyệt kết quả đấu thầu Gói thầu số 10, xác định đơn vị trúng thầu là Liên danh Hạ tầng Hà Nội.
Trước đó, ngày 21/10/2024, Công ty TNHH Tư vấn Đấu thầu Minh Kiệt đã có Báo cáo đánh giá E-HSDT gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận Đống Đa cho biết, Tổ chuyên gia của Công ty đã tiến hành đánh giá E-HSDT từ ngày 8/10/2024 đến ngày 21/10/2024. Theo đó, tất cả 7 nhà thầu đều “đạt” tính hợp lệ của E-HSDT; có 4/7 nhà thầu đạt “yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm”, gồm: Liên danh Hoàng Hùng; Liên danh Á Châu; Liên danh Hạ tầng Hà Nội; Liên danh Tổng công ty 789.
Kết quả đánh giá về kỹ thuật, đã có 3 nhà thầu “không đạt”, gồm liên danh Hoàng Hùng; Liên danh Công ty Á Châu; Liên danh Nam Hải.
Theo thuyết minh của đơn vị đánh giá hồ sơ dự thầu thì có một số tiêu chuẩn mà 3 nhà thầu “không đáp ứng” theo yêu cầu, trong đó cả 3 liên danh đều bị cho là có “biểu đồ huy động máy móc, thiết bị không phù hợp” (Tiêu chuẩn số 3.3: Biểu tiến độ thi công chi tiết).
Cụ thể, đối với liên danh Hoàng Hùng, phần ô tô tự đổ: “kê khai có 02 xe, biểu đồ huy động 06 xe”; Xe vận chuyển bê tông: “kê khai có 01 xe, biểu đồ huy động 05 xe”;
Đối với liên danh Nam Hải, phần ô tô tự đổ: “kê khai có 02 xe, biểu đồ huy động 04 xe”; Xe vận chuyển bê tông: “kê khai có 01 xe, biểu đồ huy động 10 xe”; Xe bơm bê tông: kê khai 1 xe, biểu đồ huy động 2 xe;
Đối với liên danh Á Châu, phần ô tô tự đổ: “kê khai có 02 xe, biểu đồ huy động 10 xe”; Xe vận chuyển bê tông: “kê khai có 01 xe, biểu đồ huy động 3 xe”; Xe bơm bê tông: kê khai 1 xe, biểu đồ huy động 2 xe.
Nhà thầu không “tâm phục, khẩu phục”
Không đồng ý với lý do đánh “trượt thầu” nêu trên liên danh Hoàng Hùng đã có văn bản kiến nghị cho rằng: theo yêu cầu E-HSMT- Bảng số 03: Yêu cầu về thiết bị thi công chủ yếu thì ô tô tự đổ yêu cầu số lượng tối thiểu cần có là 2 xe”; Ô tô chuyển trộn bê tông tươi “số lượng tối thiểu cần có là 1 xe.
Tuy nhiên, theo tính toán thực tế, liên danh Hoàng Hùng thấy rằng, đối với 1 công trình có khối lượng công việc lớn thì không thể chỉ huy động 2 ô tô tự đổ và 1 ô tô chuyển trộn bê tông tươi. Vì vậy, theo Biểu đồ huy động máy móc thiết bị, nhà thầu đề xuất 06 ô tô tự đổ và 05 ô tô chuyển trộn bê tông tươi (nhiều hơn yêu cầu tối thiểu trong hồ sơ mời thầu) là hoàn toàn hợp lý với thực tế thi công.
Mặt khác, khi kê khai biểu Webform để tham dự thầu, nếu nhà thầu nhập số lượng nhiều hơn yêu cầu của E-HSMT, hệ thống sẽ báo lỗi và không cho lưu lại. Nhưng thực tế thì hệ thống không báo lỗi và hồ sơ dự thầu của liên danh Hoàng Hùng cũng như liên danh khác đều “đạt” về tính hợp lệ.
Trong báo cáo đánh giá HSDT, Công ty TNHH Tư vấn Đấu thầu Minh Kiệt còn cho rằng, liên danh Hoàng Hùng đưa ra thời gian huy động xe ô tô tự đổ không phù hợp với tiến độ thi công dự án: ô tô tự đổ huy động đến ngày thứ 315, trong khi các việc khác kết thúc sau thời điểm rút hết ô tô tự đổ (kết thúc công tác: hoàn thiện nhà chính ngày thứ 345; phụ trợ ngày thứ 340; trạm biến áp ngày thứ 345; cung cấp lắp đặt thiết bị ngày thứ 355; dọn dẹp bàn giao ngày thứ 360).
Tuy nhiên, liên danh Hoàng Hùng cho rằng, theo Biểu đồ tiến độ, đến hết ngày 315, chỉ còn các công tác bao gồm: sơn bả (đã xong phần xây thô, trát); hoàn thiện (kiến trúc mặt ngoài); điện, chống sét (đấu nối, lắp đặt thiết bị); cấp thoát nước trong nhà, ngoài nhà (đấu nối, lắp đặt thiết bị); điều hòa, thông gió (đấu nối, lắp đặt thiết bị), Hệ thống phòng cháy chữa cháy (đấu nối, lắp đặt thiết bị); cửa chống cháy; thi công phần phụ trợ (lắp đặt thiết bị)...
Việc thi công các nội dung trên không cần sử dụng ô tô tải tự đổ (không còn yêu cầu về vận chuyển vật liệu rời như cát, đá, xi,…; hoặc vận chuyển phế thải trong quá trình xây dựng đổ đi). Do giai đoạn này chỉ còn các công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị nên nhà thầu có bố trí 01 xe cẩu tự hành để hỗ trợ nâng hạ thiết bị.
Liên danh Hoàng Hùng cho rằng, việc liên danh này đưa ra biểu đồ huy động phương tiện như trên là hợp lý trong cả công tác thi công lẫn hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, liên danh này lại bị "đánh trượt”, trong khi liên danh Hạ tầng Hà Nội được xét trúng thầu với giá hơn 103 tỷ đồng, cao hơn giá bỏ thầu của liên danh Hoàng Hùng gần 8 tỷ đồng.
Nghiên cứu hồ sơ mời thầu của của gói thầu số 10 nêu trên, một số chuyên gia cho biết, tại mục 2.2 (Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kỹ thuật), nêu “thiết bị thi công chủ yếu dự kiến huy động để thực hiện gói thầu” như sau: “trường hợp thiết bị thi công chủ yếu mà nhà thầu kê khai trong E-HSDT không đáp ứng yêu cầu hoặc không chứng minh được khả năng huy động thiết bị (bao gồm cả trường hợp thiết bị đã huy động cho hợp đồng khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này), bên mời thầu cho phép nhà thầu bổ sung, thay thế. Nhà thầu chỉ được phép bổ sung, thay thế một lần đối với từng thiết bị trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 03 ngày làm việc. Trường hợp nhà thầu không có thiết bị thay thế đáp ứng yêu cầu của E-HSMT thì nhà thầu bị loại. Trong mọi trường hợp, nếu nhà thầu kê khai thiết bị không trung thực thì nhà thầu không được thay thế thiết bị khác, E-HSDT của nhà thầu bị loại và nhà thầu sẽ bị coi là gian lận...
Trong việc này, liên danh Hoàng Hùng bị đánh giá là có “biểu đồ huy động máy móc, thiết bị không phù hợp”. Vì vậy, cần đối chiếu với nội dung yêu cầu theo mục 2.2 của HSDT nêu trên để đánh giá, xem xét lại việc “huy động máy móc không phù hợp” như trên thuộc trường hợp cho phép “nhà thầu bổ sung, thay thế” (vì số lượng xe ô tô nhà thầu kê khai vẫn đảm bảo tối thiểu theo yêu cầu) hay nhà thầu sẽ “bị loại”.
Có thể nói, việc bị trượt thầu trong vụ việc trên là khá hy hữu vì một trong những lý do là “biểu huy động máy móc không phù hợp”. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy số lượng xe ô tô nhà thầu kê khai thì vẫn đảm bảo tối thiểu theo yêu cầu.
Công lý sẽ tiếp tục thông tin.