Đời sống

Hậu Giang: Tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh

Xuân Phương 31/10/2024 - 16:42

UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành văn bản đến các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Y tế tổ chức tập huấn, triển khai hướng dẫn về xử trí vụ ngộ độc thực phẩm cho tuyến huyện; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có); thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, các phương tiện cho công tác ứng phó, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các khu du lịch,... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch,...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

ngo-doc-tp.jpg
Ảnh minh họa

Sở Y tế phải đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, thức ăn đường phố.

Ngoài ra, đơn vị cần tăng cường việc giám sát mối nguy an toàn thực phẩm và gửi kiểm nghiệm đối với các sản phẩm tự công bố trên địa bàn tỉnh và các sản phẩm đang lưu hành tại địa phương; thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên,...; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND yêu cầu phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan trong điều tra nguyên nhân; trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc (nếu có).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường lấy mẫu giám sát tại các cơ sở từ khâu nuôi trồng, thu gom, vận chuyển, bảo quản, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để kịp thời có thông tin cảnh báo về các mối nguy và nguy cơ có thể xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp quản lý.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan trong điều tra nguyên nhân; trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc (nếu có); thường xuyên giám sát các mối nguy và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Lãnh đạo đơn vị phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thuộc ngành công thương quản lý.

Bên cạnh đó, Sở Công thương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho các cơ sở trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phối hợp tổ chức diễn tập ứng phó sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn.

Công an tỉnh phải tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.

Đối với Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc địa bàn tỉnh phải bố trí đủ kinh phí, huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác giám sát mối nguy an toàn thực phẩm tại các dịch vụ ăn uống trên địa bàn quản lý nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm.

Các cơ quan, đơn vị phải luôn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, bếp ăn tập thể và các đối tượng theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.

Mỗi đơn vị cần tổ chức tập huấn và triển khai thực hiện hướng dẫn xử trí vụ ngộ độc thực phẩm cho tuyến xã theo quy định, nhằm ứng phó kịp thời sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn.

Lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kịp thời xử lý, thông tin về sự cố, nguy cơ, vụ việc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Xuân Phương