Dự án Đại Hùng Pha 3: Khẳng định sức mạnh nội lực của "người dầu khí" Việt Nam
Kể từ năm 2003, 100% người Việt ở Dự án mỏ Đại Hùng đã biến Dự án có giá trị 1 USD trở thành kỳ tích. Và hiện tại, thành công của Dự án PTM Đại Hùng Pha 3 càng là một minh chứng rõ ràng cho sự trưởng thành, làm chủ hoàn toàn trong công tác triển khai các dự án trọng điểm quốc gia của "người dầu khí" Việt Nam.
Dự án PTM Đại Hùng Pha 3 do PVEP làm chủ đầu tư, có quy mô đầu tư ước tính 112 triệu USD, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của PVEP/PVEP POC trong thời gian tới; kéo dài thời gian hoạt động khai thác của mỏ; tăng khả năng thu hồi dầu khí của mỏ, mang lại lợi ích kinh tế, tăng nguồn thu cho Petrovietnam/PVEP và cho Chính phủ; làm tiền đề cho việc tiếp tục thăm dò mở rộng toàn lô 05.1(a), thậm chí mở rộng ra những lô lân cận và đặc biệt dự án còn góp phần vào bảo vệ an ninh biển đảo.
Đặc biệt, đây cũng là dự án hoàn toàn do người Việt tại các đơn vị trong Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đảm nhận. Dự án do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro là Tổng thầu EPCI. Xí nghiệp Xây lắp, Khảo sát và Sửa chữa các công trình khai thác dầu khí (Xí nghiệp Xây lắp) là đơn vị được Vietsovpetro giao cho thực hiện dự án; cùng với đó là Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) là các đối tác quan trọng trong quá trình triển khai dự án này.
Có nghĩa là, từ việc xây dựng kế hoạch, triển khai và giám sát... của dự án này đều do 100% nội lực Việt.
Sẽ không có nhiều ấn tượng nếu Dự án PTM Pha 3 là một dự án quá dễ dàng để thực hiện. Thực tế thì đây chính là một dự án rất “khó nhằn” bởi những tính chất đặc thù của điều kiện mỏ cũng như bối cảnh giai đoạn của năm 2020...
Trò chuyện với ông Lê Đức Tuệ – Giám đốc Chi nhánh PVEP POC nhân chuyến ra mỏ Đại Hùng dự lễ đón dòng dầu kỹ thuật vừa qua, chúng tôi mới hiểu rõ quá trình triển khai Dự án gian nan như thế nào. Phải nói, hiếm có một dự án E&P nào mà khó khăn, thử thách lớn đã xuất hiện ngay kể từ khi Kế hoạch đại cương phát triển mỏ (ODP) được phê duyệt (11/03/2020) như dự án này.
Cụ thể, ngày ODP được phê duyệt cũng chính là ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Và kể từ thời điểm này, dịch bệnh lan rộng khắp thế giới, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia. Tại Việt Nam, ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận vào ngày 23/01/2020, và sau đó là các đỉnh điểm của dịch bệnh khiến mọi thế gần như “tê liệt” vì giãn cách toàn xã hội.
Kế đến là các cuộc khủng khoảng chính trị và xung đột vũ trang trên thế giới, đặc biệt là cuộc xung đột Nga – Ukraine, xung đột tại Trung Đông đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung vật tư thiết bị trên thế giới, khiến công tác vận chuyển hàng cho dự án từ châu Âu về đến khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điển hình là, thay vì hàng hóa đi qua kênh đào Suez thì lúc đó phải vận chuyển qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, dẫn đến thời gian giao hàng và chi phí hàng hàng tăng lên.
Ngoài các khó khăn khách quan trên, Dự án PTM Đại Hùng Pha 3 và PVEP-POC cũng gặp một số khó khăn khác liên quan đến đặc tính mỏ Đại Hùng, giàn FPU.
Mỏ Đại Hùng là mỏ nước sâu, giàn FPU vẫn đang là cụm xử lý trung tâm và được coi là “trái tim và bộ óc” của cả mỏ, trong khi đó giàn FPU đã cũ. Tương tự như các dự án trước đây, các sản phẩm của PTM Pha 3 đều được vận chuyển về FPU qua các đường ống mềm có công nghệ chế tạo phức tạp và độc quyền, rất ít nhà sản xuất trên thế giới có thể làm được (từ trước đến nay chỉ có BakerHuges, NOV và TechnipFMC). Điều này đòi hỏi phải có khối lượng cải hoán cho dự án là rất lớn, ảnh hưởng đến thời gian dừng sẳn xuất và sản lượng của cả mỏ Đại Hùng.
Đó là chưa kể, vị trí mỏ Đại Hùng khá xa bờ nên các công tác hỗ trợ vận chuyển các vật tư, thiết bị, nhân sự gặp nhiều khó khăn và chi phí cao, cùng với điều kiện thời tiết thủy văn phức tạp và khó khan nên việc huy động các phương tiện thi công lắp đặt cũng khó khăn.
Từ năm 2022, sau đại dịch, nhu cầu thị trường trong nước tăng cao, đây lại chính là thời điểm chính thức khởi công dự án Đại Hùng Pha 3 (ngày 23/11/2022) với nhiều hạng mục cần triển khai song song (thiết kế, mua sắm, chế tạo và lắp đặt/cải hoán tại mỏ), tại nhiều địa điểm khác nhau từ trong nước, đến nước ngoài, trên bờ và ngoài biển dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ dự án...
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn và thách thức đó, PVEP/PVEP POC đã triển khai thành công dự án này, các chỉ tiêu về an toàn - chất lượng - tiến độ và hiệu quả đều đã đạt được theo như kế hoạch ban đầu.
Để có được thành công đó, trước tiên là nhờ sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, Petrovietnam, Tổng công ty PVEP. Thứ hai, đó là tinh thần thống nhất và đồng lòng vì mục tiêu dự án từ tất cả các cấp. Ngay từ khi chuẩn bị dự án, từ Petrovietnam/PVEP/PVEP-POC đã xác định đây là dự án trọng điểm do vậy dự án luôn được quan tâm, chỉ đạo sát sát sao từ Bộ Công Thương, Petrovietnam, PVEP tập chung giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các khó khăn khách quan mà cả nhà thầu và chủ đầu tư đều không thể lường trước được. Yếu tố này không chỉ giải quyết các khó khăn của dự án mà còn mang lại những tối ưu cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai, như phối hợp giữa công tác phát triển – công tác khoan – công tác vận hành - HSE, mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Đặc biệt, thành công của Dự án Đại Hùng pha 3 là minh chứng cụ thể của sức mạnh chuỗi liên kết trong Petrovietnam. Các đối tác tham gia dự án: PV Drilling, PTSC và đặc biệt là tổng thầu EpCI Vietsovpetro đã phối hợp nhau vô cùng ăn ý, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau, cùng nhau nghiên cứu, tìm tòi và áp dụng nhiều giải pháp thi công nhằm đảm bảo kế hoạch dự án. Ông Lê Đức Tuệ kể rằng, bất kể phát sinh một tình huống nào trong qua trình triển khai thì các bên đều cùng ngồi lại đàm phán trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”!
Và cuối cùng, yếu tố quan trọng làm nên thành công của Đại Hùng Pha 3 phải kể đến đó chính là con người. Đội ngũ triển khai dự án với 100% "người dầu khí" Việt Nam đã chứng minh thật sự trưởng thành, có kinh nghiệm và hoàn toàn làm chủ trong quá trình xây dựng kế hoạch - triển khai - giám sát dự án. Cũng xin nhắc lại rằng, đây là một dự án có tính chất đặc thù với giàn nước sâu xa bờ, là dự án siêu trường siêu trọng cùng với đó là bối cảnh triển khai dự án hết sức khó khăn, chưa từng có trong lịch sử dự án dầu khí Việt Nam. Chính vì vậy, Dự án một lần nữa khẳng định năng lực, kinh nghiệm, uy tín và vị thế của "người dầu khí" Việt Nam.
Với sức mạnh nội lực đó, tin rằng "người dầu khí" Việt Nam, Petrovietnam sẽ tiếp tục làm nên những kỳ tích, tạo ra trang sử mới vẻ vang cho ngành Dầu khí, như đã từng thực hiện thành công với mỏ dầu 1 USD Đại Hùng!