Hội thảo “Sử dụng dữ liệu trong việc nâng cao An toàn giao thông ở Việt Nam”
Ngày 29/10/2024, Trường Đại học Y tế công cộng tổ chức hội thảo “Sử dụng dữ liệu trong việc nâng cao An toàn giao thông ở Việt Nam”.
Trước đó, được tài trợ Đại học Johns Hopkins, Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) triển khai nghiên cứu “Đánh giá tình hình An toàn giao thông ở 3 TP Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng”.
Đại biểu dự hội thảo gồm có đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia; Ban An toàn giao thông, Phòng CSGT nơi 3 địa phương dự án nghiên cứu đánh giá; Viện chiến lược giao thông; Bệnh viện Việt Đức; Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội; Trường Đại học Y tế công cộng; Trường đại học giao thông vận tải và đại diện các tổ chức y tế quốc tế;...
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS. TS. Phạm Việt Cường - Trường ĐHYTCC cho rằng: “Hội thảo tổ chức với mục tiêu chia sẻ phương pháp cách thức làm thế nào để khai thác được những nguồn dữ liệu về An toàn giao thông (ATGT) từ đó và triển khai những chính sách về ATGT tại Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, trình bày và giới thiệu các cơ sở dữ liệu về an toàn đường bộ; trình bày các phương pháp thu thập dữ liệu, chất lượng và hạn chế của dữ liệu, đồng thời giới thiệu về nghiên cứu đánh giá an toàn giao thông trên thế giới.”
Cũng tại Hội thảo, ông Trần Hữu Minh Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định: “Hiện nay Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh, mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho người dân. Xuyên suốt trong nhiều năm, vấn đề về ATGT nhận được sự quan tâm lớn của cả hệ thống chính trị. Có thể thấy sự chỉ đạo của Đảng xuyên suốt từ 2003, 2011, Chỉ thị 18-CT/TW18, Chỉ thị số 23-CT/TW,... hay tại mỗi kỳ họp Quốc hội hàng năm, đều có Chương trình giám sát, trong đó Báo cáo giám sát về kết quả trật tự ATGT hàng năm luôn nhận được sự quan tâm của của tất cả đại biểu tham dự.”
“Trong bối cảnh công tác thống kê về ATGT ngày càng chặt chẽ hơn, những giải pháp mà Việt Nam đang thực hiện là đúng đắn và đúng hướng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thiệt hại do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, những báo cáo ghi nhận thiệt hại về tài sản, tính mạng con người chính là những thách thức đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn hơn.” - Ông Trần Hữu Minh nhấn mạnh.
Trong bài tham luận "Giới thiệu dữ liệu an toàn đường bộ: Phân loại, nguồn và tầm quan trọng" PGS, TS. Qingfeng Li, Đại học Johns Hopkins khẳng định dữ liệu giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và định nghĩa các vấn đề giao thông đường bộ hiện tại và mới nổi; thiết kế, giám sát và đánh giá các chương trình nhằm giải quyết vấn đề phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng sau tai nạn giao thông đường bộ; tranh luận về việc phân bổ nguồn lực cho các chương trình ATGT đường bộ; đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan khác nhau để giải quyết vấn đề chung về giao thông đường bộ.
Ông Trần Kim Hoàng, đại diện Tổ chức Y tế Cộng đồng Toàn cầu đưa ra những phương pháp tiếp cận và xử lý dữ liệu trong bài tham luận: "Dự án Sáng kiến Bloomberg vì An toàn Giao thông Đường bộ Toàn cầu sử dụng phương pháp tiếp cận “định hướng dữ liệu” để ngăn chặn thương tích và tử vong đường bộ.
Trong thời gian hoạt động, Tổ chức Y tế Cộng đồng Toàn cầu đã hỗ trợ chính quyền địa phương tăng cường hệ thống giám sát thông qua việc: Thu thập dữ liệu; liên kết dữ liệu; phân tích và báo cáo; giám sát và sử dụng dữ liệu.
Ông Trần Kim Hoàng cũng nhấn mạnh: “Việc có dữ liệu chất lượng chỉ là điểm khởi đầu. Chúng ta cần triển khai sắp xếp liên tổ chức giữa các đơn vị cung cấp nguồn dữ liệu cho hệ thống làm việc để tạo ra dữ liệu có thể phân tích chuyển đổi thành thông tin để sử dụng như dữ liệu đầu vào trong quá trình ra quyết định.” Ông Hoàng nhấn mạnh.
Các bài tham luận khác tại hội thảo cũng xoay quanh việc giới thiệu trực quan hóa các dữ liệu, chất lượng và hạn chế của dữ liệu, tiến hành phân tích dữ liệu giao thông và kết quả, sử dụng nguồn dữ liệu để hỗ trợ phát triển các chiến lược ATGT, xây dựng kế hoạch hành động ATGT.