Tin tức

Luật Tư pháp người chưa thành niên: Đảm bảo giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời

Duy Tuấn - Hữu Tuấn 23/10/2024 - 15:07

Thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến, khi có tranh chấp về bồi thường thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát không xử lý chuyển hướng mà chuyển hồ sơ sang Tòa án xem xét, quyết định. Điều này phù hợp với các luật hiện hành.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).

Cân nhắc điều kiện được xử lý chuyển hướng

Đại biểu Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung quy định hình phạt (Điều 3) theo hướng không áp dụng hình phạt đối với NCTN về hành vi xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đại biểu, nhận thức của NCTN còn hạn chế, suy nghĩ bồng bột; Việc bổ sung quy định này hợp lý, thể hiện tính nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.

thu2.jpeg
Đại biểu Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.

Về điều kiện áp dụng biện pháp chuyển hướng, theo đại biểu Phước, quy định "NCTN đồng ý bằng văn bản về xử lý chuyển hướng" tại khoản 3, Điều 40 là chưa phù hợp, vì khoản 3, điều 6 đã quy định "xử lý NCTN phải căn cứ vào hành vi phạm tội, nhân thân, nhận thức, tính chất nguy hiểm cho xã hội...". Hình phạt không nhằm mục đích trừng trị mà giáo dục răn đe, ngăn ngừa phạm tội.

Vì vậy nên cân nhắc loại bỏ quy định, việc xử lý chuyển hướng cần NCTN đồng ý bằng văn bản.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung điều kiện được xử lý chuyển hướng gồm: đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả; đã hoà giải; được người đại diện bị hại đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng...

Kiến nghị chuyển hồ sơ sang Tòa xem xét, quyết định khi có tranh chấp về bồi thường

Quan tâm đến Điều 57 về Quyết định về việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, trường hợp có yêu cầu giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự...

thu1.jpeg
Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, thực tế giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, nếu chỉ giải quyết về hành vi phạm tội mà không giải quyết hậu quả vật chất "là không giải quyết triệt để vụ án".

Mặt khác, bên cạnh việc xử lý chuyển hướng nhằm bảo vệ lợi ích cho NCTN, luật cần có nguyên tắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại.

"Trong thực tiễn, luật quy định phải có ý kiến của bị hại là phù hợp, Quy định như điểm i, khoản 1, Điều 57 sẽ phát sinh thêm một vụ án dân sự giải quyết tranh chấp bồi thường do hành vi bị cáo gây ra. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, cũng cần xem xét lại hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo", đại biểu Thu phân tích.

thu3.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Do đó, đại biểu Thu đề nghị cân nhắc quy định theo hướng, khi có tranh chấp về bồi thường, cơ quan điều tra, viện kiểm sát không xử lý chuyển hướng mà chuyển hồ sơ sang toà xem xét, quyết định. "Điều này vừa phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành án dân sự; Luật Thi hành án hình sự mà không làm phát sinh vụ án dân sự khác".

Về Điều 147 (Thủ tục xét xử thân thiện) quy định: Khi xét xử, nếu xét thấy NCTN có đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì Hội đồng xét xử xem xét, ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với bị cáo. Quyết định này phải có các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật này và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

thu4.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Theo đại biểu Thu, tinh thần xây dựng của Luật là thân thiện với NCTN, cũng như giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời. Việc kháng cáo, kháng nghị có thể kéo dài thời hạn xét xử, bởi trình tự xét xử phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm... sẽ gây bất lợi cho NCTN. Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định này theo hướng giao cơ quan điều tra, viện kiểm sát thực hiện quyết định biện pháp chuyển hướng ngay từ các giai đoạn trên.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn