Doanh nghiệp

Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

PV 10/10/2024 - 21:38

Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) tập trung triển khai và phát triển theo xu hướng chuyển đổi số từ nhiều năm qua. Qua đó, công tác chuyển đổi số tại BSR đã dần có những kết quả vượt trội, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty.

Động lực và thách thức trong thời đại chuyển đổi số

Trong xu hướng chuyển đổi số được cả thế giới và Việt Nam phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã yêu cầu cần tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu chủ chốt.

Trong ngành Dầu khí, công cuộc số hoá được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh thông qua việc tiết giảm chi phí, giảm thiểu lượng khí thải carbon. Đồng thời, số hoá quy trình vận hành, cách thức làm việc cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng lợi nhuận, doanh thu cho các doanh nghiệp trong ngành. Chuyển đổi số cũng được nhận định là yếu tố cốt lõi đối với các đơn vị “khâu sau” trong ngành Dầu khí, giúp cải thiện hoạt động, phát triển và áp dụng những phương thức mới để quản lý, tăng cường hiệu quả sản xuất của các nhà máy.

Không nằm ngoài “dòng chảy số”, với những thành tựu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, BSR (đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất) cũng đã xác định chuyển đổi số là đòn bẩy sống còn để tăng hiệu quả vận hành, chuyển đổi phương thức hoạt động, kinh doanh, tạo ra các nguồn doanh thu, lợi nhuận bền vững của Công ty trên mọi mặt . Quá trình chuyển đổi số cũng được nhận định là một hành trình dài mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho BSR.

cn-2.jpg
NLĐ tại BSR tích cực thay đổi tư duy làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc.

Tại BSR, chuyển đổi số là một trong những nội dung được Đảng uỷ, Ban Tổng Giám đốc đặc biệt quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của Công ty. BSR đã ban hành Hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số tổng thể được áp dụng trong toàn bộ các hoạt động đầu tư, phát triển, quản lý và khai thác các giải pháp chuyển đổi số trong toàn Công ty. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên và kịp thời từ Ban lãnh đạo Công ty, sự vào cuộc tích cực và phối hợp đồng bộ của các Ban chuyên môn và toàn thể CBCNV Công ty, việc chuyển đổi số doanh nghiệp của BSR đã cơ bản được hình thành theo 06 trụ cột Khách hàng, Chiến lược, Công nghệ, Vận hành, Văn hóa, Dữ liệu (theo Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn), đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng.

Hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số tổng thể giúp định hướng lộ trình chuyển đổi số tổng thể để chuẩn bị và xây dựng nguồn lực/dữ liệu nền tảng (công nghệ, cơ sở hạ tầng, dữ liệu, an ninh bảo mật, con người/tổ chức) phù hợp để triển khai các giải pháp chuyển đổi số phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi/cải tiến quy trình sản xuất kinh doanh, năng lực/nhu cầu quản trị, hướng đến nhà máy sản xuất thông minh hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược phát triển Công ty.

2.jpg
Ông Đặng Minh Tuấn – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Công nghệ thông tin BSR cùng cộng sự kiểm tra các hệ thống phòng máy chủ của NMLD Dung Quất.

Ông Đặng Minh Tuấn – Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Công nghệ thông tin BSR nhận định, song hành cùng với những thuận lợi là nhiều thách thức đề ra cho BSR trong công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, chi phí đầu tư cho công tác chuyển đổi số luôn cần có sự đầu tư lớn vào công nghệ, quy trình và đào tạo nhân viên. Đồng thời, khả năng thích nghi của CBCNV về thay đổi thói quen làm việc còn nhiều khó khăn, đòi hỏi việc đào tạo và hỗ trợ người dùng liên tục. Đặc biệt, công cuộc chuyển đổi số cũng mang lại những thách thức về an toàn thông tin, bảo mật an ninh dữ liệu và phòng tránh các mối đe dọa, tấn công từ bên ngoài…

“Công cuộc chuyển đổi số ở BSR đã giúp cho BSR vượt qua rất nhiều khó khăn trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua với toàn bộ mọi hoạt động đều làm việc từ xa và 3 tại chỗ, công tác mua sắm, đấu thầu, nộp thầu đều chuyển sang hình thức trực tuyến hoàn toàn, giúp cho BSR vận hành ổn định và mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều diễn ra bình thường. Chuyển đổi số hiểu đơn giản là thay đổi tư duy, văn hóa, lối làm việc truyền thống của toàn thể CBCNV bằng việc xử lý tất cả mọi thứ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Đơn cử như việc khi xử lý một đơn hàng mua sắm thì trong tư duy của mỗi CBCNV phải nghĩ ngay đến việc xử lý trên các ứng dụng số như ERP, Văn phòng số (Digital Office). Hoặc khi lãnh đạo đi công tác, tất cả công việc đều có thể được theo dõi và xử lý trên máy tính hoặc máy tính bảng, điện thoại thông minh, làm việc mọi lúc mọi nơi… Tức là chuyển đổi số đã thay đổi toàn diện cách thức làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số”, ông Tuấn chia sẻ.

Đòn bẩy trong hoạt động sản xuất kinh doanh

BSR đã triển khai và chính thức vận hành hệ thống thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) từ tháng 09/2021. Đến nay đã hoàn thiện các hệ thống vệ tinh để cung cấp nền tảng số cho toàn bộ chuỗi cung ứng/mua sắm trên hệ thống từ Ngân sách, Lập Đơn hàng, Triển khai mua sắm, Thanh toán, Hạch toán và Báo cáo thông minh để quản trị chuỗi cung ứng/mua sắm hiệu quả và khai thác tối đa hệ thống ERP và các hệ thống vệ tinh. Cụ thể đưa vào khai thác hệ thống quản lý mua sắm D-procure, Quản lý thanh toán (quản lý xuyên suốt từ hóa đơn, đề nghị thanh toán, ủy nhiệm chi, đã kiểm thử thành công tích hợp thanh toán với ngân hàng); Ký đối tác và tích hợp đồng bộ với ERP để hình thành nền tảng số cho toàn chuỗi.

Hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các hệ thống lập, giám sát, đánh giá kế hoạch hiệu quả sản xuất của Nhà máy thông qua bộ giải pháp đánh giá dầu thô, lập kế hoạch tháng, kế hoạch sản xuất tuần ngày tích hợp kết hợp với hệ thống tính toán cân bằng vật chất. Định hướng chuyển đổi trọng tâm, đẩy mạnh công tác số hóa/chuyển đổi số trong quản lý tài sản/ tối ưu sản xuất từ hình thức thụ động quản lý sang hình thức chủ động theo dõi, đánh giá, dự báo, tăng cường ứng dụng phân tích dữ liệu lớn Big Data, trí tuệ nhân tạo/máy học AI/ML trong công tác tối ưu, dự báo, bảo dưỡng tiên đoán... giúp BSR tiến gần hơn với mục tiêu “nhà máy thông minh”.

BSR cũng tổ chức hỗ trợ người dùng tối đa khai thác hiệu quả các nền tảng số, tổ chức triển khai và hoàn thành các hệ thống mới đem lại nhiều hiệu quả. Đặc biệt, thời gian qua BSR đã áp dụng hiệu quả các nền tảng số trong mọi hoạt động nghiệp vụ hàng ngày đã giúp BSR tiết giảm chi phí hàng năm rất nhiều về văn phòng phẩm, máy in, mực in và giấy in.

Bên cạnh việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số, BSR cũng đồng thời tăng cường triển khai hoàn thiện hệ thống giám sát an ninh mạng tập trung, gia tăng các hệ thống bảo mật theo hướng tích hợp và “không tin tưởng” Zero trust, củng cố hạ tầng thông tin, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc… Tiếp tục nâng cấp các giải pháp an toàn thông tin và an ninh mạng trên cả 3 mảng Công nghệ, Chính sách và Con người, trong đó xem vấn đề con người là then chốt, là trọng tâm, là nhân tố quyết định để đảm bảo các hệ thống hoạt động liên tục, ổn định, tin cậy 24/24, đảm bảo công tác an toàn an ninh mạng và dữ liệu tuyệt đối cho Công ty và Nhà máy.

233.jpg
Sự thống nhất cao là thành tố quan trọng giúp hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số được đề ra tại BSR.

Sự “chuyển động công nghệ”, chuyển đổi số sẽ tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp và cuộc sống. Do đó, BSR định hướng sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quyết liệt thực hiện chuyển đổi số để đóng góp vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Với mục tiêu là hoàn thiện chuỗi số hóa xuất bán sản phẩm, quản lý giao dịch với khách hàng và công tác lập kế hoạch hàng năm của công ty trên nền tảng số; tiếp tục đẩy mạnh số hoá trong quản lý tài sản, tối ưu sản xuất, bảo dưỡng tiên đoán, đánh giá và ứng dụng phân tích dữ liệu lớn, AI/ML. Đồng thời, tạo môi trường làm việc hiệu quả trên nền tảng số, tối đa tự động hoá nghiệp vụ lặp đi lặp lại bằng các robot phần mềm; hoàn thiện hệ thống quy trình công nghệ thông tin. Trong đó, tăng cường thực hiện đào tạo, cập nhật cho CBCNV trong việc ứng dụng, khai thác tối đa các hệ thống, công cụ CNTT để nâng cao hiệu suất, đem lại giá trị bền vững cho Công ty.

PV