Tòa án thụ lý, giải quyết tranh chấp về BHXH trong trường hợp nào?
TANDTC vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Ninh Thuận về quyền của tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
TANDTC nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận với nội dung: Theo quy định hiện hành, tổ chức Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện, việc tổ chức Công đoàn khởi kiện các tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp về BHXH vẫn còn gặp nhiêu khó khăn do các quy định về quy trình, thủ tục khởi kiện, nhân sự thực hiện việc khởi kiện... chưa đồng bộ.
Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị cần quy định cụ thể về quyền của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi cho người lao động tham gia BHXH.
Thẩm quyền giải quyết BHXH giữa người lao động, tập thể người lao động và người sử dụng lao động
Theo TANDTC, khoản 2 Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Tổ chức đại điện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 17 của Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có quyền, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động khi được người lao động ở đó yêu cầu.
Tại mục 1 và mục 2 của Công văn số 105/TANDITC-PC&QLKH ngày 14/4/2016 của TANDTC về việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội đã hướng dẫn như sau:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì: Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
Như vậy, tranh chấp lao động bao gồm 02 loại: Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động và chủ thể của tranh chấp lao động phải là các bên trong quan hệ lao động.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 200, điểm d khoản 1 Điều 201, điểm c khoản 1 Điều 203 của Bộ Luật lao động năm 2012, Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì tranh chấp về BHXH giữa người lao động với người sử dụng lao động, giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động là tranh chấp lao động và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 205 của Bộ luật Lao động năm 2012 thì:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể, Chủ tịch UBND cấp huyện phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.
Trong trường hợp các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, khi thụ lý, giải quyết các yêu cầu về BHXH, các Tòa án cần lưu ý:
Trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc quá thời hạn luật quy định mà Chủ tịch UBND cấp huyện không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp tập thể về quyền. Trường hợp này, Tòa án thụ lý giải quyết và xác định đấy là vụ án lao động.
Đối với trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết tranh chấp mà các bên không đồng ý với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện và khởi kiện đối với quyết định của Chủ tịch UBND cấp huyện thì Tòa án thụ lý giải quyết và xác định đây là vụ án hành chính.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về BHXH giữa người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan BHXH
Theo quy định tại khoản 8 Điều 18 và Khoản 2 Điều 20 của Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động và người sử dụng lao động có quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về BHXH theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 118 và Điều 119 của Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động và người sử dụng lao động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật này và Luật tố tụng hành chính đối với quyết định, hành vì hành chính của tổ chức BHXH khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi có người khởi kiện đối với quyết định, hành vi hành chính của cơ quan bảo hiểm xã hội thì Tòa án thụ lý vụ án và xác định là vụ án hành chính.
Việc xác định thẩm quyền của Tòa án đối với vụ án hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật Tố tụng hành chính năm 2010; kể từ ngày 01/7/2016 (ngày Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực pháp luật) thực hiện theo quy định tại Điều 31 và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
TANDTC cho biết, thời gian qua, TAND các cấp đã thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn và các văn bản hướng dẫn thi hành để thụ lý, giải quyết tranh chấp về BHXH giữa người lao động, tập thể người lao động và người sử dụng lao động.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận, TANDTC sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tổng kết thực tiến thi hành các quy định của pháp luật tố tụng nói chung và thủ tục giải quyết tranh chấp về BHXH nói riêng.
Trường hợp qua tổng kết thực tiễn phát sinh vấn đề vướng mắc cần hướng dẫn thuộc trách nhiệm được giao, TADNTC sẽ kịp thời nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn để việc thực hiện quyền khởi kiện về BHXH của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được thuận lợi, đúng quy định của pháp luật.