Bất động sản

Con số 32.000 thành viên của Tập đoàn Thiên Khôi nói lên điều gì?

Ngọc Quang, Lê Hương 30/09/2024 12:11

CLY - Theo Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Khôi (Thiên Khôi Group), số người lao động tính đến tháng 7/2024 là 62 người. Người lao động tại Thiên Khôi Group là những người làm công tác hành chính, quản lý vận hành app, do Thiên Khôi Group quản lý thời gian làm việc, địa điểm làm việc, giao việc, trả lương và đóng BHXH theo quy định.

Từ con số 32.000 thành viên mà Thiên Khôi Group công bố

Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Khôi (Thiên Khôi Group) có tiền thân là Công ty cổ phần Bất động sản Thiên Khôi. Trong giấy đăng ký kinh doanh mới nhất cho thấy, công ty có trụ sở tại tầng 5, tòa nhà 18 Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Theo tìm hiểu, vào tháng 7/2023, tổng số lao động theo thông tin đăng ký thuế của đơn vị này chỉ là 5 người. Và số liệu 5 lao động cũng được Thiên Khôi Group xác nhận từ thời điểm thành lập. Hiện tại, Thiên Khôi đã hoàn tất thủ tục điều chỉnh số liệu này và đang trong thời gian chờ cập nhật số liệu mới. Số người lao động của Thiên Khôi Group tính đến tháng 7 năm 2024 là 62 người và vẫn tiếp tục tăng lên theo quy mô phát triển.

screenshot-2024-09-23-234826.png
Trên website của Thiên Khôi Group giới thiệu có 28 trụ sở tại 3 TP lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Thủ Đức và 32.000 đối tác ở các thành phố này.

Thông tin đến Báo Công lý, số liệu “32.000 thành viên” mà Thiên Khôi Group công bố là người đăng ký sử dụng giải pháp công nghệ mà Thiên Khôi Group cung cấp. Thiên Khôi Group không quản lý thời gian làm việc, không quản lý địa điểm làm việc, không giao việc cũng như trả lương cho người dùng app. Thiên Khôi Group chỉ thu phí sử dụng app khi có giao dịch thành công và hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước cho các khoản thu này. Vì vậy, người sử dụng app Thiên Khôi hoàn toàn không phải người lao động của Thiên Khôi Group.

Hiện tại, 62 người lao động là những người làm công tác hành chính, quản lý vận hành app, do Thiên Khôi Group quản lý thời gian làm việc, địa điểm làm việc, giao việc, trả lương và đóng BHXH theo đúng quy định.

Quy định hành nghề môi giới bất động sản

Điều 61, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản;

+ Phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Trước đây, Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định về cá nhân hành nghề kinh doanh môi giới dịch vụ bất động sản độc lập, nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản 2024 quy định cá nhân có chứng chỉ môi giới bất động phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Như vậy, từ ngày 1/8 năm nay, cá nhân không còn được hành nghề môi giới bất động sản độc lập mà phải làm việc trong một doanh nghiệp hoặc thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới.

ls-ba.jpg
Luật sư Ngô Thành Ba - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Ngô Thành Ba - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho rằng: 32.000 thành viên Thiên Khôi Group công bố là người đăng ký sử dụng giải pháp công nghệ do Thiên Khôi Group cung cấp, nếu có hoạt động lĩnh vực môi giới BĐS thì theo Luật Kinh doanh BĐS năm 2024 (có hiệu lực thi hành ngày 01/8/2024), họ bắt buộc phải có chứng chỉ môi giới BĐS và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS, hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Đối với trường hợp hành nghề trong doanh nghiệp thì đương nhiên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động cũng như các quy định có liên quan khác có liên quan.

Theo tìm hiểu, một số hình ảnh trên mạng của Thiên Khôi Group có sử dụng từ "số 1 về môi giới", "số 1 về thổ cư". Thông tin về nội dung này, Thiên Khôi Group cho biết: "Đây không phải là các danh hiệu mà là các slogan, khẩu hiệu và mục tiêu mà chúng tôi muốn hướng tới, là động lực để phát triển".

so-1.jpg
Thiên Khôi Group cho rằng: "Đây không phải là các danh hiệu mà là các slogan, khẩu hiệu và mục tiêu mà chúng tôi muốn hướng tới, là động lực để phát triển".

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Ngô Thành Ba - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, cho biết: Khoản 11, Điều, 8 Luật Quảng cáo năm 2012, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018, quy định: Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là hành vi bị cấm:

Theo quy định tại Điều 2, Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL, ngày 06/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 35/2018/TT-BVHTTDL ngày 19/11/2018 quy định, tài liệu hợp pháp quy định tại khoản 11, Điều 8, của Luật Quảng cáo bao gồm:

- Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường;

- Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.

Ngoài ra, thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường. Trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp theo quy định nêu trên.

Tra cứu thông tin thì không thấy có cơ quan hay tổ chức nào công bố công ty về bất động sản là “số một” về môi giới, thổ cư mà chỉ có các bảng xếp hạng công ty uy tín, nổi bật…

Pháp luật quy định chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm sử dụng từ "nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” trong quảng cáo như sau:

Xử phạt vi phạm hành chính:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 5, và điểm a, khoản 2, Điều 34 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP và Nghị định số 128/2022/NĐ-CP, quy định hành vi: Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện (Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng);

Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng (khoản 7 Điều 34);

Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo (điểm a khoản 8 Điều 34);

Xử lý hình sự:

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 thì:

Điều 197. Tội quảng cáo gian dối

1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nội dung quảng cáo sử dụng từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số 1" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự chỉ được phép nếu có các tài liệu chứng minh theo quy định, nếu không thì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu vi phạm thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Quang, Lê Hương