Vấn đề và Sự kiện

Hoài Đức (Hà Nội): Dự án đầu tư công chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã "vội" thi công

Ngọc Quang, Lê Hương 25/09/2024 16:41

Thời gian vừa qua, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội đã tập trung nguồn lực đầu tư nhiều dự án đầu tư công. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án lại “quên” tuân thủ các quy định của Luật Đất đai.

Tại khoản 1, Điều 6, Luật Đất đai năm 2013 quy định rất rõ về nguyên tắc sử dụng đất phải “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”. Như vậy, các công trình giao thông muốn xây dựng trên đất nông nghiệp buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng sao cho tương ứng đúng với mục đích mà công trình sẽ đưa vào sử dụng.

Sau khi đã có quy hoạch sử dụng đất của một giai đoạn, các địa phương sẽ có những chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch. Để dự án được thực thi, các địa phương cần đưa dự án vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đồng thời lên kế hoạch thu hồi, giải phóng mặt bằng, sau đó trình các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Các cấp thẩm quyền sau khi nhận được tờ trình sẽ ra quyết định đồng ý cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bàn giao đất để thực hiện dự án.


1(2).jpg
Quyết định số 436/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Hoài Đức

Được biết, ngày 23/1/2024, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định số 436/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Hoài Đức. Danh mục các công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Hoài Đức, bao gồm 165 dự án với diện tích khoảng 1.058,30 ha.

Trong năm thực hiện, UBND huyện Hoài Đức có trách nhiệm rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các dự án trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2024. Trường hợp cần điều chỉnh hoặc phát sinh yêu cầu sử dụng đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội quan trọng cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, dự án dân sinh bức xúc mà chưa có trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 huyện Hoài Đức đã được UBND Thành phố phê duyệt thì tổng hợp, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình UBND Thành phố trước ngày 31/5/2024.

Quy trình là vậy, nhưng dường như huyện Hoài Đức đã "quên" quy trình này. Thực tế ghi nhận, nhiều công trình được khởi công xây dựng, thậm chí đã hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng vẫn đang nằm trong kế hoạch sử dụng đất để làm tờ trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, ngày 16/12/2022, ông Phạm Gia Lộc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức ký quyết định số 2160/QĐ-BQL, phê duyệt Liên danh Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Trung Kiên - Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Hồng Ngọc - Công ty TNHH Cơ điện FIS trúng gói thầu “Dự án: Trung tâm thể thao xã Yên Sở (Hạng mục: Nhà thi đấu, sân vận động và các HMPT)” trị giá 15.326.293.000 VND.

Theo ghi nhận của PV, dự án này đã được khởi công xây dựng khoảng năm 2023, nhưng đến ngày 23/01/2024, dự án này vẫn là một trong số các dự án mà UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cho huyện Hoài Đức đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

2(2).jpg
Dự án Trung tâm thể thao xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Trước đó, ngày 16/9/2022, ông Phạm Gia Lộc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức ký quyết định số 1541/QĐ-BQL, phê duyệt Liên danh Công ty CP xây dựng và thương mại CBCO và Công ty CP xây dựng thương mại Ân Phát và Công ty CP PCCC Bình Khang An trúng gói thầu “Mở rộng, xây mới nhà lớp học và các hạng mục phụ trợ trường mầm non Đắc Sở” trị giá 25.795.668.000 VND. Theo ghi nhận, dự án đã được thi công gần xong và chuẩn bị nghiệm thu đưa vào sử dụng.

3(1).jpg
Dự án mở rộng, xây mới nhà lớp học và các hạng mục phụ trợ trường mầm non Đắc Sở.
4.jpg
Dự án Xây dựng nhà lớp học 3 tầng, nhà giáo dục thể chất và các hạng mục phụ trợ trường THCS Minh Khai trị giá 25.193.680.000 VND đã đưa vào sử dụng.
5.jpg
Dự án Cải tạo, mở rộng trường THCS Cát Quế A giá trúng thầu là 25.793.815.000 VND đang được hoàn thiện.
6.jpg
Dự án Nâng cấp, mở rộng Trường tiểu học Song Phương giá trúng thầu là 22.424.692.000 VND đang trong quá trình xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Vân – Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức xác nhận: “Có những dự án chưa chuyển đổi mà đã xây dựng. Bọn anh cũng lập hồ sơ nhưng trong quá trình không thể chờ được , quy trình chuyển đổi không phải ngày một ngày hai”.

7.jpg
Luật sư Đỗ Anh Thắng – Giám đốc Công ty Luật ASEM Việt Nam.

Phân tích về thực trạng sử dụng đất có dấu hiệu sai phạm tại huyện Hoài Đức, Luật sư Đỗ Anh Thắng – Giám đốc Công ty Luật ASEM Việt Nam, cho biết: Căn cứ Luật Đất đai năm 2013, theo khoản 1, Điều 6, quy định nguyên tắc sử dụng đất: “Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất”. Khoản 3, Điều 12 quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích”. Điểm d, Khoản 2, Điều 10 quy định đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo (trường học) thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

Chiếu theo những quy định trên, nếu UBND huyện Hoài Đức triển khai thi công công trình đầu tư công trên phần đất nông nghiệp là không đúng mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, UBND huyện Hoài Đức muốn xây dựng các công trình này trên đất nông nghiệp phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định điểm d, khoản 1, Điều 57, Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cách quản lý của huyện Hoài Đức khiến dư luận không khỏi quan ngại, liệu trong 165 dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 mà UBND thành phố Hà Nội đã ký ngày 23/1/2024, có bao nhiêu dự án UBND huyện Hoài Đức đã “quên” tuân thủ theo Luật Đất đai?

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.

Ngọc Quang, Lê Hương