Y tế

Dự báo sẽ xuất hiện nhiều ổ dịch sởi mới tại trường học ở TP. Hồ Chí Minh

M.Đ 14/09/2024 - 17:23

Trước tình hình ổ dịch xuất hiện tại các trường học trên địa bàn, sở Y tế TP. Hồ Chí Minh quyết định thành lập 12 tổ phản ứng nhanh xử lý, phòng, chống dịch sởi lây lan.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), sau một tuần nhập học trên địa bàn TP ghi nhận 5 trường tiểu học thuộc 4 quận, huyện xuất hiện ổ dịch sởi có 2 ca mắc trở lên. Dự báo nhiều ổ dịch sởi mới sẽ tiếp tục xuất hiện tại trường học trong thời gian tới nếu chiến dịch tiêm vaccine không kịp thời bao phủ cho các trường hợp trẻ chưa có miễn dịch.

Do đó, việc phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh là điều vô cùng cần thiết. Chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi trên địa bàn và phải cơ bản hoàn thành trong tháng 9 để giảm sự lây lan của bệnh và sớm kết thúc dịch. Ước tính số trẻ thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch khoảng 125.000 trẻ.

thanh-pho-ho-chi-minh-tien-khai-tiem-vac-xin-soi-tai-truong-hoc..png
Thành phố Hồ Chí Minh tiển khai tiêm vắc xin sởi tại trường học.

Nhằm giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh dễ có nguy cơ lây nhiễm cao, Sở Y tế T TP.HCM đã có quyết định thành lập 12 Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch sởi tại trường học theo khu vực địa bàn quận, huyện và TP. Thủ Đức.

Theo đó, mỗi Tổ bao gồm 2-3 thành viên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) và 1 thành viên từ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hoặc Nhi đồng Thành phố.

Nhiệm vụ của các Tổ phản ứng nhanh sẽ thực hiện giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng và theo dõi ổ dịch, đồng thời hướng dẫn trường học và trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi.

Cụ thể, khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, nhân sự phụ trách y tế của trường phải báo cáo ngay cho trưởng trạm y tế trên địa bàn. Trưởng trạm y tế ghi nhận, đánh giá và cử nhân sự đến hiện trường để phối hợp xử lý, đồng thời, điều tra sơ bộ tình hình.

Nếu phát hiện có ổ dịch tại trường, trưởng trạm y tế phải báo cáo ngay cho trung tâm y tế, sau đó kích hoạt Tổ phản ứng nhanh để đến trường học phối hợp cùng y tế địa phương giám sát và xử lý ổ dịch.

Để đảm bảo hiệu quả, Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH chỉ đạo các cơ sở trực thuộc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch sởi. Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, các cơ sở phải báo cáo ngay cho trạm y tế để nhận được hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi tại trường học, việc thành lập Tổ phản ứng nhanh là một giải pháp quan trọng trong chiến lược ứng phó dịch sởi của TP.HCM, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đảm bảo môi trường học tập an toàn cho trẻ trong bối cảnh dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo Sở Y tế thành phố, trong 10 ngày đầu (kể từ ngày 31/8/2024 đến hết ngày 9/9/2024), chiến dịch đã tiêm cho 19.821 trẻ từ 1 đến 5 tuổi (chiếm tỷ lệ 32,6%) và 5.260 trẻ từ 6 đến 10 tuổi (chiếm tỷ lệ 8.3%) trên tổng số trẻ thuộc diện phải tiêm. Như vậy vẫn còn đến 70% trẻ từ 1-5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi (thuộc diện cần tiêm trong chiến dịch) chưa được tiêm chủng.

M.Đ