Diễn đàn pháp lý

Sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt: Cân nhắc mức thuế và lộ trình phù hợp

Trang Nhi 08/09/2024 - 11:18

Do Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có ảnh hưởng tới nhiều ngành hàng nên cần có nghiên cứu về mức thuế và lộ trình phù hợp…

Cần thiết sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết hành vi tiêu dùng, trên cơ sở đó mới điều tiết sản xuất và hành vi tiêu dùng hướng tới bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Mục tiêu cuối cùng mới là thu ngân sách.

thu-ttdb-2.jpg
Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết hành vi tiêu dùng. dùng hướng tới bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, xét theo mục tiêu đó, việc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng đối với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe nếu lạm dụng.

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10 tới đây và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2025) là tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia liên tục từ năm 2026 và đến năm 2030 sẽ chịu thuế suất lên tới 100%.

Dự thảo đề xuất hai phương án đánh thuế với mặt hàng rượu bia; trong đó, Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2. Đó là: rượu từ 20 độ trở lên sẽ áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần lên 100% vào 2030; rượu dưới 20 độ chịu thuế 50%, sau đó tăng lên cao nhất 70%; thuế suất đối với bia cũng tăng dần, từ 80% lên 100%.

Ngoài rượu bia, Dự thảo Luật còn sửa đổi, bổ sung một số đối tượng không chịu thuế TTĐB như bổ sung quy định “hàng hóa đã xuất khẩu ra nước ngoài bị phía nước ngoài trả lại khi nhập khẩu” thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB; Bổ sung quy định “xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông và chỉ chạy trong khu di tích lịch sử, bệnh viện, trường học” và “xe ô tô chuyên dụng khác theo quy định của Chính phủ” vào đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.

Ví dụ, theo dự thảo Luật, thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá nghiêng về phương án mỗi năm tăng 1.000đ/bao trong giai đoạn 2026 - 2029, sang năm 2030 sẽ tăng khoảng 2.000đ/bao.

Mức tăng đối với xì gà sẽ tăng ở mức 10.000đ/điếu kể từ năm 2026 – 2029, cụ thể, 50.000 đồng/điếu (từ năm 2026), 60.000 đồng/điếu (từ năm 2027), 70.000 đồng/điếu (từ năm 2028), 80.000 đồng/điếu (từ năm 2029), 100.000 đồng/điếu (từ năm 2030).

Tương tự, mức tăng đối với thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm sẽ từ 50.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2026), 60.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2027), 70.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2028), 80.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2029), 100.000 đồng/100g hoặc 100ml (từ năm 2030).

Đối với nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml sẽ quy định mức thuế suất là 10% do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo các chuyên gia, việc sửa đổi thuế TTĐB ngoài việc điều tiết tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường nhằm nâng cao sức khoẻ toàn dân, cải thiện năng suất lao động và phát triển bền vững còn giúp cho nguồn thu ngân sách được cải thiện đáng kể…

Cân nhắc mức thuế và lộ trình phù hợp

Tuy nhiên, việc tăng thuế này có thể tác động gián tiếp tới 24 ngành hàng trong nền kinh tế. Do đó, cần có đánh giá toàn diện việc tăng thuế này vì không chỉ tác động tới ngành rượu, bia mà còn cả các ngành khác như dịch vụ lưu trú và ăn uống…

thue-ttdb-1.jpg
Cần cân nhắc mức thuế và lộ trình phù hợp áp dụng Luật Thuế TTĐB.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mặc dù việc tăng thuế nhằm mục đích hạn chế tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe người dân song tác động của việc tăng thuế cần được cân nhắc toàn diện và tổng thể. Bởi nếu tăng thuế quá cao, dẫn đến mức giá tăng lên trên mức kỳ vọng của người tiêu dùng thì có thể dẫn đến hàng nhập lậu, hoặc sản xuất không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Như vậy, mục tiêu bảo vệ sức khỏe khi tăng thuế có nguy cơ không đạt.

Nhấn mạnh việc sửa thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết, song ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường vụ Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thừa nhận “vấn đề khó nhất là đánh thuế như nào? mức nào là hợp lý và lộ trình từ năm nào?”. Mẫu số chung là phải đặt mục tiêu doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hợp lý.

Trên cơ sở đó, ông Hiếu đề nghị, Cơ quan soạn thảo nên cân nhắc lộ trình đánh thuế theo hướng kéo giãn hơn so với đề xuất như dự thảo Luật. Đó là nên bắt đầu từ sau năm 2026, để doanh nghiệp có thời gian thay đổi, cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng với chính sách thuế mới.

Về mức thuế, cần tính toán hết sức cẩn thận. Theo ông Hiếu, cần cân nhắc hai vấn đề.

Một là, hiện thị trường rượu thủ công rất lớn, chưa kể nhóm rượu phi chính thức. Nếu mức thuế tăng quá cao khiến chi phí tăng quá lớn, người uống rượu sẽ tìm sang sản phẩm rượu thủ công, trong khi quản lý sản phẩm này còn hạn chế, khó bảo đảm yêu cầu chất lượng. Như vậy, tính hiệu qủa của chính sách thuế là giảm uống rượu sẽ không đạt được, thậm chí còn khiến rượu chính thức gặp bất lợi hơn so với rượu thủ công, rượu phi chính thức.

Hai là, cơ quan soạn thảo cần làm rõ vì sao phân chia rượu trên 20 độ và dưới 20 độ để áp thuế khác nhau. Bởi nếu không cẩn thận, rượu mạnh có thể được uống ít hơn, song lại dẫn đến sử dụng rượu thấp độ gia tăng.

TS. Nguyễn Huy Quang, Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội (Tổng Hội Y học Việt Nam) nhấn mạnh, việc sửa Luật Thuế TTĐB rất cần thiết, tạo sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe của người dân, nhưng sức khỏe vẫn là vấn đề trung tâm trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề của phát triển bền vững mà Đảng và Nhà nước ta đã mạnh mẽ cam kết chính trị với quốc tế.

Trang Nhi