Thời tiết Quảng Ninh trước giờ siêu bão YAGI đổ bộ
Theo ghi nhận của PV, đến 17h ngày 6/9, tại thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh), thời tiết khá oi nóng, nhiều mây âm u và lặng gió. Trước đó, xuất hiện mưa nhỏ, một số người dân cảm thấy nặng đầu và mệt mỏi.
Tuy nhiên, người dân khu vực bị ảnh hưởng của bão cần đề phòng cảnh giác, chủ động phòng chống bão, tuyệt đối không chủ quan bởi trước khi bão đến, khu vực tâm bão thường lặng gió, thời tiết oi nóng.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Công an thị xã Quảng Yên đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo 100% cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị chủ động ứng phó với bão; tham gia cứu hộ, cứu nạn trên tuyến đường thủy và trên đường bộ khi cần thiết.
Công an các phường, xã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại trụ sở các cơ quan, phòng ngừa tội phạm trước cơn bão số 3; đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về cơn bão cho người dân thông qua hệ thống loa phát thanh trên 179 thôn, khu.
Dự báo khoảng 13h ngày 7/9, bão sẽ ở trên khu vực vùng biển từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, người dân lưu ý không nên chủ quan, thường xuyên theo dõi dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến của bão để chủ động phòng, tránh.
Người dân chủ động gia cố, chẳng chống nhà cửa; cắt tỉa cành cây; tháo dỡ biển quảng cáo, áp phích có nguy cơ mất an toàn; đảm bảo an toàn công trình đang thi công. Gia cố chuồng trại gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản.
Bên cạnh đó, người dân cần xác định vị trí trú ẩn an toàn nhất cho tất cả thành viên trong gia đình; chủ động sơ tán khi cần thiết hoặc theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
Đồng thời, các hộ gia đình cần chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống, thuốc men, vật dụng cần thiết đủ dùng trong những ngày tới. Kê cao tài sản, cất giữ giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn, di chuyển phương tiện cơ giới đến nơi có địa hình cao.
Đặc biệt, người dân không đi qua các ngầm tràn, vũng trũng thấp, khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất khi bão đổ bộ và mưa, lũ sau bão.
Các hộ dân ngắt các nguồn điện sinh hoạt khi xảy ra ngập lụt, hạn chế hoặc không lái xe vào khu vực có nguy cơ ngập, chủ động khơi thông cống thoát nước gần nhà, gần khu dân cư mình ở.
Tại khu vực bị ảnh hưởng bão, người dân nên lưu các số điện thoại cứu hộ, cứu nạn để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.