Người đam mê “thắp sáng” kinh tế ban đêm
Xuất phát từ đam mê dịch chuyển, tìm hiểu về văn hóa, ẩm thực vùng miền, doanh nhân Nguyễn Ngọc Hiển đã đến với mô hình kinh tế ban đêm một cách nhiều duyên nợ. Sau 10 năm “hòa chung nhịp đập”, đến nay công ty của ông Hiển đã xây dựng được 8 điểm chợ đêm, tập trung các dịch vụ mua sắm, khu vui chơi, giải trí trẻ em…
Với 30 năm kinh doanh đa ngành, doanh nhân Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Giám đốc Công ty Thiên Hồng Phát kể về những ngày đầu bén duyên với mô hình kinh tế ban đêm, khi đó còn khá mới mẻ với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, công ty của ông Hiển đã vấp phải nhiều khó khăn, từ chuyện thích nghi với thời tiết, đến chuyện thấu hiểu văn hóa và tính cách người dân bản địa.
Nhưng nhận thấy tiềm của kinh tế ban đêm còn lớn, ông Hiển đã tích cực cải tiến, hoàn thiện sản phẩm của công ty sao cho phù hợp với quy trình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tái tạo năng lượng… mà vẫn ưu tiên giữ lại nét đặc trưng của từng địa phương.
Trải qua nhiều gian khó, mô hình kinh doanh của doanh nhân Nguyễn Ngọc Hiển đã gặt hái thành công bước đầu, với 8 điểm chợ đêm, tập trung các dịch vụ mua sắm, khu vui chơi, giải trí trẻ em…
Theo ông Hiển, kinh tế ban đêm được hiểu là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, như: Ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm.
Mô hình kinh tế ban đêm được kỳ vọng là sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc và các sản vật địa phương…
Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Từ đây, nhiều địa phương như: TP.HCM, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước... vẫn đang tích cực mời gọi đầu tư, thúc đẩy, mở rộng, phát triển hơn nữa mô hình kinh tế ban đêm.
Để tiếp tục “đánh thức” tiềm năng và phát triển kinh tế ban đêm đúng hướng, mỗi địa phương cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, cả về chính sách quản lý vận hành lẫn thu hút đầu tư. Sở dĩ mô hình này vẫn chưa thật sự hiệu quả là còn vướng một số rào cản. Các hoạt động giao thương về đêm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tệ nạn xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hơn nữa, các dịch vụ du lịch, mua sắm, ăn uống về đêm cũng gây ra tiếng ồn, ảnh hưởng người dân trong khu vực và lân cận. Thêm vào đó, các hoạt động kinh tế ban đêm khi thu hút lượng lớn du khách cũng có thể gây ô nhiễm môi trường, quá tải hệ thống kết cấu hạ tầng... Và đặc biệt là còn thiếu cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy tiềm năng của loại hình kinh tế còn khá mới mẻ này.
Ông Hiển cho rằng, bên cạnh những điểm mạnh, các địa phương vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong phát triển kinh tế ban đêm như: Hầu hết tài nguyên du lịch thường có tính mùa vụ, chỉ khai thác được vào một số thời điểm trong năm, chủ yếu phụ thuộc nhiều vào thời tiết và đặc trưng của từng vùng. Điều này dẫn đến những hạn chế trong phát triển kinh tế ban đêm tại một số địa phương.
Việc phát triển kinh tế ban đêm nhìn chung còn khá chậm, manh mún. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ tại một số khu vực, chưa tạo được dấu ấn. Các hoạt động kinh tế ban đêm thiếu sự kết nối giữa các loại hình vui chơi giải trí, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường, âm nhạc phim ảnh, nghệ thuật, lễ hội, tham quan mua sắm.
Hạ tầng cho phát triển kinh tế ban đêm của Việt Nam vẫn còn thiếu, đặc biệt là giao thông công cộng vào ban đêm như xe bus, bãi đậu xe… không thuận tiện. Hiện nay, một số địa phương đang dựa trên cơ sở hạ tầng hiện có để tổ chức các hoạt động kinh tế ban đêm, cũng như chưa đầu tư bổ sung, nâng cấp, cải tạo thêm cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin, quảng bá…
Đó là một số điểm nghẽn đáng kể cho sự phát triển của kinh tế ban đêm.
Mặt khác, mô hình kinh tế mới mẻ này hiện đang lệ thuộc nhiều vào các chợ đêm, phố đi bộ và trong đó vẫn chưa lồng ghép được bản sắc văn hóa, làng nghề truyền thống của địa phương, để có thể gia tăng thêm nhiều giá trị.
Thật ra, các làng nghề thủ công truyền thống ở nước ta ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước; bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.
Cho nên, khi du lịch làng nghề được đầu tư đúng mức và khai thác có hiệu quả sẽ trở thành một trong những kênh quảng bá hình ảnh hiệu quả về đất nước và con người Việt Nam. Đồng thời, việc phát triển du lịch ở các làng nghề truyền thống sẽ mang đến lợi ích kép, cùng lúc phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động ở khu vực nông thôn.
“Để kinh tế ban đêm có thể trở thành cầu nối cho sự phát triển của làng nghề truyền thống và ngược lại, ngoài sự vào cuộc của Nhà nước, chính các làng nghề cũng phải trở thành một phần không thể tách rời với kinh tế ban đêm”, doanh nhân Nguyễn Ngọc Hiển khẳng định.