Đời sống

Đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm

Minh Thu 18/08/2024 - 12:23

Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn TP. Hà Nội có 3.520 cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Hoạt động mại dâm “núp bóng” trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện như khách sạn, vũ trường, quán cà phê, tiệm cắt tóc, gội đầu, massage... tiếp tục diễn biến phức tạp, khó phát hiện.

Sáng 16/8, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp với UBND quận Đống Đa, tổ chức hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở và người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Hội nghị nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, cập nhật các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm, ma túy… nâng cao nhận thức cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội như: karaoke, nhà nghỉ, massage… trên địa bàn.
img_20240817_203338.jpg
Hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người lao động và chủ sử dụng lao động.

Chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, trang bị những kiến thức cơ bản về tác hại của ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng ngừa tệ nạn mua bán dâm, tệ nạn ma túy... cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm nói riêng và các tệ nạn xã hội nói chung trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, hội nghị cùng trao đổi, giải đáp thắc mắc trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội và giao kết hợp đồng lao động.

Hội nghị có sự tham gia của hơn 30 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Đống Đa.

Theo nhận định của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, hiện nay hoạt động mại dâm “núp bóng” trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện như khách sạn, vũ trường, quán cà phê, tiệm cắt tóc, gội đầu, massage... tiếp tục diễn biến phức tạp, khó phát hiện.

Nhiều đối tượng hình thành các “hội nhóm kín” để tổ chức hoạt động mại dâm với sự tham gia của sinh viên, người mẫu, diễn viên, tiếp viên...

Hoat động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ này vẫn khó kiểm soát, đặc biệt trong các khách sạn lớn, cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài, vũ trường, quán bar, cơ sở dịch vụ karaoke, massage... Hiện cả nước vẫn tồn tại 183 tụ điểm, địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm.

img_1723805350056_1723901639196.jpg
Hội nghị có sự tham gia của hơn 30 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ, người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Đống Đa.

Theo số liệu của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn Hà Nội có 3.520 cơ sở dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

Ngoài ra, thành phố có 3 điểm phức tạp, bao gồm địa bàn công cộng và trong cơ sở kinh doanh dịch vụ.

Trình bày về khó khăn trong việc phát hiện tệ nạn xã hội trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nhạy cảm, đại diện Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng, hiện nay, các đối tượng hoạt động tinh vi và diễn biến phức tạp, thông qua trang mạng xã hội zalo facebook, hội nhóm kín trên mạng, hoạt động có môi giới. Chính vì vậy rất khó để phát hiện, kiểm tra, kiểm soát và xử lý.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo viên của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phổ biến các nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của Luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Thông tin về Bảo hiểm xã hội và Hợp đồng lao động; quyền của người sử dụng lao động; Nghĩa vụ của người sử dụng lao động; Các hành vi bị nghiêm cấm trong linh vực lao động...

Bà Chu Thị Thúy Anh, đại diện Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đống Đa cho biết, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đời sống xã hội.

Đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận Đống Đa cũn hy vọng rằng những thông tin tại hội nghị sẽ giúp công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung của quận Đống Đa trong thời gian tới được tăng cường hiệu quả hơn nữa.

anh-1.jpg

Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực, sôi nổi tham gia thảo luận, thực hiện đổi mới nội dung, đa dạng hình thức truyền thông.

Thông qua hội nghị, người dân đã được phổ biến chính sách pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; các thông tin về quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Minh Thu