Nghệ sĩ tranh cát Nguyễn Tiến và những điều chưa kể sau tấm bằng kỷ lục gia
“Mỗi người mỗi nghề, quan trọng là bạn toàn tâm toàn ý với nó, ngoài niềm vui, thành quả mà nghề mang lại thì ai cũng phải đối diện với những áp lực và cả nỗi sợ hãi…”, nghệ sĩ tranh cát Nguyễn Tiến trải lòng.
Nguyễn Tiến, chàng trai sinh năm 1990 tại Nam Định, là họa sĩ, nghệ sĩ kỷ lục gia Việt Nam về vẽ tranh cát, vẽ tranh trình diễn. Anh từng tạo ra những tác phẩm độc đáo trên sân khấu bằng nhiều chất liệu khác nhau như lửa, kim tuyến, tranh điện, dao, và cát...
Có thể nói, anh là một trong những người tiên phong trong việc phát triển tranh cát và đã góp phần đưa nghệ thuật này đến với đông đảo khán giả.
Hơn 12 năm kinh nghiệm, Nguyễn Tiến được coi là họa sĩ trẻ nhất và là người điều hành nghệ thuật chuyên nghiệp trong lĩnh vực tranh cát, tham gia nhiều sự kiện lớn, nhỏ trên khắp đất nước.
Đằng sau thành công của nam nghệ sĩ cũng có những câu chuyện, nỗi lòng mà ít ai được biết.
Mới đây, nghệ sĩ tranh cát Nguyễn Tiến đã có nhiều chia sẻ xoay quanh sự nghiệp của mình.
Anh nhớ về chuyến đi biểu diễn “nhớ đời” ở Huế. Đó là lần đầu tiên, anh trải nghiệm vẽ tranh cát trong buồng kính 3 mặt chỉ vì trời mưa. Một phương án được đưa ra trong phút chốc, tuy nhiên tiết mục thành công ngoài mong đợi, xen lẫn cảm xúc hồi hộp, lo sợ rồi vui sướng.
“Trình diễn trong tâm thế không vì tiền bạc hay áp lực nào khác, tiết mục của tôi hôm đó nhận được sự tán thưởng nhiệt tình từ quan khách, nhìn xuống phía dưới, từng người đứng dậy vỗ tay, rồi người thân của họ quay sang ôm nhau khóc. Đúng là hạt cát vô tri mà mang lại cảm xúc cho họ như thế mình cung không kìm được cảm xúc”, Nguyễn Tiến chia sẻ.
Trong suốt chặng đường theo đuổi đam mê, Nguyễn Tiến nhiều lần “dở khóc, dở cười” với bộ dụng cụ nặng hàng chục kg của mình.
“Nhiều khi tôi thấy ghen tị với anh chị em ca sĩ vì mọi thứ được chuẩn bị kỹ càng. Họ chỉ cầm mic lên sân khấu hát, còn giới ảo thuật, nhạc công hay biểu diễn tranh cát như tôi rất cực. Này nhé, bộ đạo cụ nào là hộp đèn hơn chục kg (toàn bóng đèn với kiếng) di chuyển nó phải nâng niu kỹ càng rồi chân máy camera, dây tín hiệu, cát và nhiều thứ linh tinh khác, tổng cộng cũng tầm hơn 40kg”, Tiến kể.
Anh cho biết, khi đi biểu diễn, mỗi khách hàng có một yêu cầu riêng. Chẳng hạn, khi một đơn vị cho ra đời sản phẩm mới cần PR, một công ty hay tập đoàn kỷ niệm ngày thành lập, một sự kiện về văn hóa thể thao..., tiết mục tranh cát thường là mở đầu thay lời muốn nói, mà thời lượng chỉ dao động khoảng 5 - 10 phút.
“Người nghệ sĩ phải dùng mười đầu ngón tay làm sao để truyền tải những nội dung thông điệp đôi khi rất... vĩ mô”, Nguyễn Tiến nói.
Để cho ra đời một tác phẩm trọn vẹn, nhất là tiết mục mở màn, nam nghệ sĩ nói anh thường xuyên phải đến các sự kiện từ sớm để sắp xếp mọi thứ, quá trình đó phải thật tỉ mỉ, chỉn chu, hạn chế xảy ra sơ suất.
Ngày 16/6/2024, tại TP.HCM, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam cho nghệ sĩ Nguyễn Tiến - “Nghệ sĩ vẽ tranh trình diễn trên sân khấu bằng nhiều loại hình và chất liệu nhất Việt Nam”.