TP.HCM: Tìm hướng đi phát triển giao thông công cộng
Ngày 3/8, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM họp phiên lần thứ 5.
Phiên họp đánh giá tình hình sau 1 năm thực hiện nghị quyết này. Theo đó, TP.HCM đã ban hành khối lượng lớn các chính sách. Đơn cử, TP đã bố trí vốn đầu tư công cho chương trình giảm nghèo; bố trí 1.500 tỉ đồng vốn đầu tư công để hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay; ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư cho ngành văn hóa - thể thao và y tế; chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức;
Triển khai cơ chế đầu tư, tài chính cho các quận không có HĐND hay các kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo… Đặc biệt, nhờ cơ chế đặc thù, TP.HCM đã thành lập Sở An toàn thực phẩm; bố trí tăng 2 phó chủ tịch HĐND, UBND cho TP.Thủ Đức, tăng 1 phó chủ tịch UBND cho các huyện Cần Giờ, Hóc Môn và tăng phó chủ tịch UBND cho 51/52 phường, xã, thị trấn có dân số trên 50.000 người.
PGS-TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá Nghị quyết 98 đã lan tỏa, giúp TP và cả nước phát triển. Đơn cử, TP.HCM đã đóng góp GDP cho cả nước từ 15,8% (năm 2021) lên 16,4% chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024.
Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đang xin vận dụng các cơ chế tương tự Nghị quyết 98. Ông cũng cho hay hôm 2.8, Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; đây được xem là nỗ lực của tổ tư vấn Nghị quyết 98, giúp giải quyết một trong những vấn đề giao thông nhức nhối của địa phương.
Dù vậy, TP.HCM cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai Nghị quyết 98, nhất là cho đến nay vẫn loay hoay triển khai thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Theo Nghị quyết 98, TP.HCM được phép thực hiện TOD với các tuyến đường sắt và Vành đai 3.
Các chuyên gia của hội đồng tư vấn đã dành nhiều thời gian thảo luận về giải pháp phát triển TOD ở TP.HCM. Theo TS Vũ Anh Tuấn (Trường ĐH Việt Đức), TP.HCM cần có "va chạm thực tế", cụ thể nên chọn ngay tuyến metro số 1 sắp vận hành với 3 nhà ga tiềm năng để phát triển TOD, từ đó lấy vốn để hỗ trợ các tuyến còn lại.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, mục tiêu xây dựng 180 km đường sắt đô thị trong 11 năm tới là điều không dễ dàng đối với địa phương và để làm TOD, TP.HCM cần đổi mới tư duy, cách tổ chức và pháp lý. Cụ thể, cần xác định tư duy kinh tế thị trường là cốt lõi, tạo ra được nguồn tài chính và đảm bảo lợi ích cho những bên liên quan.
Khi tổ chức, mỗi sở, ngành đều phải xắn tay vào làm, cho ra một kịch bản chung và cam kết tiến độ cụ thể. Ông cũng cho rằng TP.HCM không nhất thiết phải gấp gáp "chạy KPI" vận hành tuyến metro số 1, thay vào đó hãy dành thời gian chuẩn bị thật kỹ lưỡng, làm tốt công tác hạ tầng, kết nối xe buýt để đem lại hiệu quả KT-XH thiết thực, rồi từ đó lấy bài học kinh nghiệm nhân rộng mô hình.
Giải pháp khác được nhiều chuyên gia của hội đồng tư vấn hiến kế và đồng thuận liên quan công tác thu hồi đất khi phát triển TOD. Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Khu chế xuất Tân Thuận, dẫn lại câu chuyện trước đây khi đền bù đất thu hồi làm khu chế xuất cao gấp 2 - 3 lần giá thị trường và được người dân hưởng ứng; nhưng sau khoảng chục năm, khu chế xuất phát triển thì giá đất cao gấp 10 - 20 lần và điều này gây bất mãn cho dân.
Do đó, ông cho rằng nhà nước nên tính toán giải pháp "cổ phần hóa" đền bù. Tương tự, PGS-TS Võ Trí Hảo, thành viên hội đồng tư vấn, cho biết theo hướng đền bù này, người dân được trả trước một phần tiền mặt và phần còn lại sẽ được trả dần theo giá trị tăng lên theo thời gian của bất động sản.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay việc phát triển TOD, cái khó nhất nằm ở vấn đề quy hoạch. Ông đề nghị ngành quy hoạch, GTVT… phải sớm tham mưu UBND TP.HCM đề án phát triển TOD tổng thể, trong đó gồm bao nhiêu dự án lớn cũng như cách thức, giải pháp khai thác các quỹ đất xung quanh nhà ga và dọc các tuyến metro, vành đai và các vùng phụ cận.