Quy hoạch Mù Cang Chải thành khu du lịch quốc gia và là điểm nhấn của du lịch Yên Bái
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết, tại Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định Mù Cang Chải phát triển trở thành khu du lịch quốc gia và là điểm nhấn của du lịch Yên Bái. Hạ tầng du lịch tại vùng phát triển nhanh.
Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX, đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái đã gải đáp chất vấn của Đại biểu HĐND tỉnh vể việc: “Trong những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ta luôn đặc biệt quan tâm phát triển du lịch. Tuy nhiên, về cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn các huyện phía Tây của tỉnh nói chung và của huyện Văn Chấn nói riêng còn nhiều khó khăn, nhất là hạ tầng về lưu trú tại các điểm du lịch; đồng thời, chưa tạo ra được các sản phẩm có tính liên kết tua, tuyến và các sản phẩm dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Theo đó, đại biểu HĐND đã đề nghị lãnh đạo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết: Các nhiệm vụ, giải pháp để kích cầu du lịch trong thời gian tới? Ngoài những chính sách đã được tỉnh ban hành, Sở có dự kiến tham mưu cho tỉnh những chính sách đặc thù nào để giúp các huyện phía Tây phát triển du lịch trong thời gian tới?”.
Đồng chí Lê Thị Thanh Bình - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết, trong thời gian qua, hoạt động du lịch đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự đồng thuận thuận của các cấp, ngành và sự vào cuộc của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương. Tốc độ phát triển ngành du lịch Yên Bái có sự chuyển biến. Doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm.
Công tác quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường. Sản phẩm du lịch được hình thành rõ nét, hấp dẫn thu hút khách du lịch. Xây dựng, hình thành rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh. Dịch vụ ăn uống, lưu trú, phát triển hạ tầng giao thông có bước phát triển mới, các dịch vụ khác có nhiều chuyển biến, nhất là ở các vùng trọng điểm.
Riêng vùng Miền Tây, đến nay đã phát triển các sản phẩm du lịch nổi trội, như: các sản phẩm du lịch lễ hội: Lễ hội văn hoá - du lịch Mường Lò, Lễ hội khám phá danh thắng Quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải…Các sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa các dân tộc đang được xây dựng và phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, tiếp cận khách quốc tế;
Du lịch mạo hiểm được hình thành, phát triển và nhanh chóng được định vị thương hiệu riêng (như leo núi mạo hiểm (đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu, đỉnh Lùng Cùng, Văn Chấn), dù lượn (đèo Khau Phạ, khu vực cánh đồng Mường Lò,…); Xây dựng mới nhiều địa điểm du lịch gắn với các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng (Suối khoáng Trạm Tấu, Suối khoáng Bản Hốc Văn Chấn…), nhiều khu nghỉ dưỡng chất lượng cao đã được đưa vào khai thác, thu hút đông du khách trong và ngoài nước (khu du lịch nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, Văn Chấn; Resort La Pán Tẩn, Ecolodge Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải)…
Từng địa phương trong vùng đều xây dựng và thực hiện các Đề án về văn hóa, du lịch (trong đó có 3 đề án do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành). Đồng thời, tại Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định Mù Cang Chải phát triển trở thành khu du lịch quốc gia và là điểm nhấn của du lịch Yên Bái. Hạ tầng du lịch tại vùng phát triển nhanh. Nhiều dự án đầu tư đã được xây dựng, khảo sát đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu khách du lịch vào các dịp cao điểm.
Đến nay nâng cấp nhiều tuyến đường dự án đường kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15). Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển với tốc độ khá nhanh. Vùng Miền tây đã có 334 cơ sở lưu trú chiếm gần 60% số lượng cơ sở lưu trú toàn tỉnh, trong đó 220 homestay hoạt động thường xuyên, đảm bảo chất lượng phục vụ du khách.
Tuy nhiên, du lịch Yên Bái phát triển trong giai đoạn vừa qua còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành chưa phát huy đầy đủ, nguồn nhân lực du lịch và hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đầu tư cho du lịch chưa tương xứng; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập…
Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cách tiếp cận thị trường mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách còn khó khăn. Sản phẩm du lịch còn chưa hấp dẫn du khách. Một số cấp ủy, tổ chức, cá nhân địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển du lịch của địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng các nhiệm vụ giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, cụ thể: Tiếp tục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về du lịch, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương, gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương, đơn vị liên quan.
Các sản phẩm du lịch phục vụ khách hiện nay chưa đa dạng. Do đó để nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, cần làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, như: Sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với các di sản thiên nhiên, các mỏ khoáng nóng trên địa bàn các huyện, thị xã ( Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu,...), các khu vực trồng, chế biến dược liệu...; hình thành sản phẩm "du lịch 4 mùa"… ; Xây dựng mô hình tuyến phố đi bộ và các hoạt động kinh tế đêm tại Trục đường Điện Biên và đường ven suối Thia (Nghĩa Lộ)...
Thực tế cho thấy, chất lượng lao động trong ngành du lịch tỉnh còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh trình độ không đồng đều, tính chuyên nghiệp chưa cao. Do đó hàng năm đổi mới phương pháp tập huấn, tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn về hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, buồng, bàn, bar, quản lý cơ sở lưu trú…, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển của thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Công tác xây dựng và phát triển tour tuyến liên kết còn khó khăn và hạn chế. Do vậy cần liên kết xây dựng tour, tuyến theo không gian, tổ chức không gian lãnh thổ phù hợp phát triển du lịch, theo vùng…