Xảy ra động đất ở Kon Plông, Kon Tum
Chiều ngày 14/7, một trận động đất có độ lớn 3.6 đã xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, không gây rủi ro thiên tai.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trận động đất trên xảy ra vào khoảng 15 giờ 21 phút 45 giây, tại tọa độ 14.809 độ Vĩ Bắc - 108.185 độ Kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, không gây rủi ro thiên tai.
Kể từ năm 2021 đến nay, động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy ra thường xuyên và liên tục. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4.7, xảy ra vào chiều 23/8/2022.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các trận động đất tại khu vực này thường có độ lớn không quá 5.0. Mức độ động đất tại khu vực này dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro.
Viện Vật lý Địa cầu thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này; đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng, tránh hiện tượng này; đồng thời thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái đất, 1 đài điện ly.
Ngoài mạng trạm quốc gia, ở những khu vực trọng yếu có các công trình quan trọng, Viện Vật lý địa cầu cũng duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội.
Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, với thiết bị hiện đại, các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3-5 phút sau khi động đất xảy ra.