Kết luận Hội nghị Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh
Ngày 8/7, Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tổ chức Hội nghị trực tuyến giao ban 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Ban Nội chính Trung ương đến 63 điểm cầu các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương.
Kết luận Hội nghị, thay mặt Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2024, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từ công tác phòng ngừa đến phát hiện, xử lý, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến ngày càng thực chất, hiệu quả hơn trong công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, qua đó khẳng định “trên đã nóng, dưới cũng đang nóng”.
Kết quả cụ thể được thể hiện trên 6 hoạt động chính. Trong đó, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, tạo bước tiến mới trong công tác PCTNTC ở địa phương.
Đặc biệt là, đã khẩn trương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương (như các vụ án, vụ việc xảy ra tại Công ty AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, Phúc Sơn, Thuận An,…); trực tiếp tiến hành 123 cuộc kiểm tra, giám sát công tác PCTNTC (tính từ khi thành lập đến nay đã tiến hành 362 cuộc).
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã xử lý kỷ luật 66 trường hợp người đứng đầu, trong đó có 24 trường hợp bị xử lý hình sự; kịp thời cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác đối với 172 trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút (trong đó có 2 trường hợp diện Trung ương quản lý, 34 trường hợp diện Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy quản lý).
Các Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ việc tồn đọng kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương đã khởi tố mới 444 vụ án/1.242 bị can về tội tham nhũng (tăng 25 vụ so với cùng kỳ năm 2023) và tất cả 63 tỉnh, thành phố đều khởi tố mới án tham nhũng. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 107 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Điều này cho thấy các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã thể hiện sự đồng lòng, nhất trí cao trong việc đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở và khẳng định hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Các Ban Chỉ đạo cũng đã quan tâm chỉ đạo tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị chức năng PCTNTC ở địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của địa phương đã chuyển 124 vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định; chuyển 21 vụ việc liên quan sai phạm của cán bộ, đảng viên đến ủy ban kiểm tra có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định…
Về nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC; quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Quan tâm chỉ đạo hoàn thành sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm các Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc;…
Ngoài ra, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm (như quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh đất hiếm, vonfram, quặng boxit; hoạt động sản xuất, mua, bán, xuất, nhập khẩu vàng miếng và vàng nguyên liệu;
Kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức;…) và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương. Nhất là chỉ đạo hoàn thành kiểm tra đối với các dự án, gói thầu liên quan đến Công ty AIC; rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án, gói thầu do Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An và các công ty có liên quan thực hiện tại địa phương mình.
Đồng thời, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Nhất là các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương giao và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, Tập đoàn FLC, Vạn Thịnh Phát, vụ án trong lĩnh vực đăng kiểm,…; các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp sắp tới, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bao che cho tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng”…
Công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng của địa phương đã ban hành gần 800 kết luận giám định, định giá tài sản theo yêu cầu, trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; nhiều địa phương thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao như: Hà Giang, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh,… Một số địa phương có vụ án thu hồi tài sản đạt tỷ lệ 100% như Điện Biên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.