Xã hội

Quảng Trị: Sạt lở gây nguy hiểm cho nhiều hộ dân sống ven sông, ven biển

PV 06/07/2024 - 16:33

Sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã và đang ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4.520 hộ dân, trong đó có khoảng 800 hộ dân đang sống trong vùng thực sự nguy hiểm, chỉ cách mép sông dưới 20m.

Tình trạng bờ sông, bờ biển bị sạt lở tại Quảng Trị thường diễn ra vào mùa mưa bão hàng năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây hiện tượng này đang ở mức báo động.

Sạt lở hầu như xuất hiện liên tục hai bên bờ các sông chính ở Quảng Trị gồm Thạch Hãn, Bến Hải, Thác Ma, Ô Lâu. Điều đó gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh khu vực.

satlo.jpg
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tại Quảng Trị diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng tới khoảng 800 hộ dân sống sát khu vực, tiềm ẩn nhiều nguy hại.

Đặc biệt, bờ các sông Thạch Hãn, Hiếu, Bến Hải có tốc độ xói lở rất nhanh, trung bình mỗi năm sâu vào bờ từ 10-15m. Tình trạng này khiến người dân ở các xã Triệu Long, Triệu Giang (huyện Triệu Phong), xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) đã phải di dời nhà ở.

Hằng năm vào mùa mưa bão, bờ biển cũng bị xói lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều khu dân cư ven biển đoạn qua các xã Triệu Lăng, Triệu Vân (huyện Triệu Phong).

Bờ biển các xã Trung Giang, Trung Hải (huyện Gio Linh) bị sạt lở cuốn trôi nhiều hàng quán kinh doanh dọc bờ biển, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đất thổ cư và tuyến đường quốc phòng ven biển.

Đến đầu tháng 7/2024, tỉnh Quảng Trị có trên 133km sạt lở bờ sông, bờ biển chưa được khắc phục xử lý, gồm: Gần 30km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gần 73km sạt lở nguy hiểm, trên 33km sạt lở bình thường.

Những năm qua tỉnh đã nỗ lực dành nguồn lực để khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hơn 66 km kè chống sạt lở dọc bờ sông, bờ biển kết hợp phục vụ nhu cầu giao thông dân sinh, cải tạo môi sinh, môi trường, chỉnh trang đô thị với tổng kinh phí hơn 872 tỷ đồng; trồng hơn 70ha cây chắn sóng bảo vệ dọc các tuyến đê cửa sông và đê biển.

Tuy nhiên, nguồn lực của địa phương còn khó khăn nên việc bố trí khắc phục sạt lở còn hạn chế, chỉ xử lý mang tính tạm thời trước mắt; việc xử lý sạt lở chủ yếu lồng ghép với nguồn lực của Trung ương hỗ trợ.

Theo Giám đốc Sở Nông nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Hồ Xuân Hòe, các cơ quan chuyên môn của tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển và đề xuất các giải pháp xử lý ở khu vực sạt lở trong thời gian tới.

Các đơn vị rà soát vùng dân cư trong khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bổ sung vào chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn; lập kế hoạch xây dựng công trình bảo vệ bờ, phòng, chống thiên tai tại những khu vực dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng quan trọng không thể di dời.

Các đơn vị tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển khi chi phí vượt quá khả năng cân đối ngân sách địa phương.

PV