Quốc tế

Ước tính sẽ có 225.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản vào năm 2030

Vũ Đậu 04/07/2024 - 18:32

JICA ước tính sẽ có 225.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản vào năm 2030, bằng khoảng 80% so với con số trước đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng 226.000 người trong 12 tháng tính đến tháng 10/2023 lên mức kỷ lục 2,05 triệu người.

Các quốc gia cử lao động sang Nhật Bản ngày càng đa dạng ngoài Việt Nam và Trung Quốc, vốn là những quốc gia xuất khẩu lao động sang Nhật Bản nhiều nhất.

xuat-khau-lao-dong-nhat-ban.jpg
Ảnh minh họa.

Nghiên cứu mới của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng ước tính sẽ có 225.000 lao động Việt Nam sang Nhật Bản vào năm 2030, bằng khoảng 80% so với con số trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại sau đó, xuống còn 260.000 vào năm 2040 và dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nước ngoài nói chung.

Để lấp đầy khoảng trống này, Nhật Bản sẽ phải thu hút thêm nhiều lao động, nhưng nước này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đối với nhân tài nước ngoài, khi Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang thu hút lao động để củng cố lực lượng lao động đang giảm sút.

Cũng theo JICA, Nhật Bản sẽ cần thêm 970.000 lao động nước ngoài so với nhu cầu vào năm 2040 để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ước tính mới đã làm nổi bật những thách thức của nước này trong việc thu hút và giữ chân nhân tài người nước ngoài.

Trước đó, nghiên cứu năm 2022 ước tính mức Nhật Bản sẽ thiếu hụt 420.000 lao động nước ngoài vào năm 2040. Ước tính mới của JICA cao hơn gấp đôi con số này khi Nhật Bản dự kiến sẽ thu hút lao động từ các quốc gia châu Á ít hơn.

Ước tính mới không tính đến tác động của tỷ giá hối đoái do khó dự đoán biến động trong tương lai. Tuy nhiên, đồng Yên yếu đã làm giảm sức hấp dẫn của Nhật Bản đối với người lao động nước ngoài, điều này có nghĩa là Nhật Bản có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt thậm chí còn trầm trọng hơn.

Năm 2019, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm là 1,24%, giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 20% từ năm 2023 lên 704.000 tỷ yen (4.360 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) vào năm 2040.

Để đạt được mục tiêu này khi lực lượng lao động của Nhật Bản đang giảm sút, JICA ước tính nước này sẽ cần 4,19 triệu lao động nước ngoài vào năm 2030 và 6,88 triệu vào năm 2040, ngay cả khi quá trình tự động hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

Tuy nhiên, dự kiến Nhật Bản chỉ có khoảng 3,42 triệu lao động nước ngoài vào năm 2030 và 5,91 triệu vào năm 2040.

Trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục thu hẹp, các công ty Nhật Bản đã coi tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng như một trong những mối lo ngại lớn nhất có thể khiến hoạt động của họ suy giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc 313 công ty đã phải ngừng hoạt động trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào 31/3/2024).

Dữ liệu do Teikoku Databank tổng hợp cho thấy, trong số hơn 27.000 công ty tham gia khảo sát trong tháng 4, tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ thông tin.

Hơn 70% các công ty trong ngành cho biết họ không có đủ nhân công. Một số công ty cho biết, bất chấp sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), họ đã phải từ bỏ các dự án vì thiếu nguồn lực.

Tình trạng khủng hoảng lao động trong ngành dịch vụ lưu trú như kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ cũng đáng chú ý trong bối cảnh nhu cầu rất lớn từ số lượng khách du lịch kỷ lục tới Nhật Bản sau khi dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19.

Về lao động bán thời gian, ngành bị ảnh hưởng lớn nhất là thực phẩm và đồ uống, với gần 75% công ty cho biết họ không đủ lao động. Tuy nhiên, so với cuộc khảo sát vào tháng 4 năm ngoái, ngành này đã cải thiện đáng kể khi báo cáo cho thấy số lượng lao động bán thời gian đã tăng 40% kể từ thời điểm đó.

Kể từ cuộc khảo sát năm ngoái, tỷ lệ các công ty báo cáo tình trạng thiếu nhân viên toàn thời gian đã đạt 51%, gần đạt mức cao nhất mọi thời đại là 54% được ghi nhận vào tháng 11/2018.

Điểm tích cực trong báo cáo của Teikoku là số lượng các công ty trong ngành thực phẩm và khách sạn thiếu nhân công đã giảm trong năm qua, mặc dù không đáng kể.

Vũ Đậu