An toàn giao thông

Cảnh sát giao thông được quyền yêu cầu dừng xe khi nào?

Bạch Dương 01/07/2024 - 09:41

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới vừa được Quốc hội thông qua đã quy định cụ thể một số trường hợp Cảnh sát giao thông (CSGT) được phép yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát.

Ngày 27/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ với 79,84% tổng số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, có một số quy định hoàn toàn mới, các chủ phương tiện và người tham gia giao thông cần lưu ý.

csgt-duoc-dung-xe-khi-nao-1.jpg
Ảnh minh họa

Cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra trong 4 trường hợp

Điều 66 của Luật Trật tự, ATGT đường bộ quy định, CSGT được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát khi có một trong các căn cứ sau đây:

Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ hoặc vi phạm pháp luật khác.

Thực hiện theo mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát mới phát hiện được;

Phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh;

Có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị, đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.

Lực lượng nào được tuần tra, kiểm soát giao thông?

Luật cũng quy định lực lượng tuần tra, kiểm soát về trật tự, ATGT đường bộ gồm: Lực lượng CSGT; Lực lượng, đơn vị khác trong công an nhân dân được huy động tham gia phối hợp với CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng được huy động theo quy định của pháp luật, quyết định của cấp có thẩm quyền và phù hợp với thực tế nhiệm vụ.

Khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thực hiện tuần tra, kiểm soát phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

Chấp hành quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của cấp có thẩm quyền; Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ và vi phạm pháp luật khác; Chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của mình theo quy định của pháp luật.

Luật Trật tự, ATGT đường bộ 2024 được Quốc hội thông qua quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ.

Luật có bố cục gồm 8 chương với 89 điều và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2025, riêng quy định về sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Bạch Dương