Những lưu ý khi sử dụng căn cước điện tử
Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1/7, quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử (e-ID). Theo đó, người dân có thể sử dụng căn cước điện tử để làm thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, thay vì phải mang theo thẻ căn cước bản cứng.
Căn cước điện tử gồm các thông tin trong thẻ căn cước, như họ tên, số định danh cá nhân, quốc tịch, nơi sinh, quê quán, tôn giáo, nhóm máu, nơi thường trú, nơi tạm trú, số điện thoại, thư điện tử, nghề nghiệp (trừ công an, quân đội, cơ yếu), thông tin nhận dạng như khuôn mặt, vân tay, mống mắt…
Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn (trừ giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp), sẽ được tích hợp vào căn cước điện tử nếu công dân có nhu cầu. Những thông tin này phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Người dân dùng căn cước điện tử thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch, hoạt động dân sự khác.
Trong quá trình thực hiện các giao dịch, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin trên thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin từ căn cước điện tử thì chính chủ có thể yêu cầu khoá số thẻ căn cước đó.
Hoặc nếu chủ thẻ vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia thì cơ quan tố tụng hoặc cấp có thẩm quyền có quyền yêu cầu khóa căn cước điện tử. Trường hợp người dân bị thu hồi hoặc giữ thẻ căn cước, bị chết, thì căn cước điện tử cũng bị khóa.
Sau khi chính chủ đề nghị khóa căn cước điện tử, nếu có yêu cầu mở khóa sẽ được đáp ứng. Trường hợp bị khóa do vi phạm, căn cước điện tử được mở khi người dân đã khắc phục.
Thẻ căn cước bị thu hồi được trả lại thì căn cước điện tử cũng được mở. Cơ quan tố tụng và cấp có thẩm quyền cũng được yêu cầu mở khóa căn cước điện tử.
Người dân sẽ nhận được thông báo nếu căn cước điện tử bị khóa. Chính phủ sẽ quy định trình tự khóa, mở căn cước điện tử.