Cần luật hóa các quy định về tàu bay không người lái
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Đặc biệt, bổ sung tiêu chuẩn, tiêu chí của người điều khiển tàu bay không người lái để đảm bảo an toàn hàng không.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 27/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Làm rõ khái niệm tàu bay không người lái
Đại biểu Nguyễn Hải Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị, xem xét bổ sung trong định nghĩa về phòng không nhân dân nội dung về quản lý, bảo vệ, sử dụng, khai thác khoảng không tầm thấp dưới 5.000 m, nhằm bao quát đầy đủ, toàn diện nội hàm của phòng không nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Quy định như vậy sẽ phân định rõ các nhóm đối tượng của phòng không nhân dân thuộc diện phòng ngừa, đấu tranh, chế áp, thậm chí là bắn hạ nếu đe dọa đến quốc phòng an ninh của đất nước và những đối tượng mà phòng không nhân dân quản lý, bảo vệ, khuyến khích vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Về khái niệm tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 2 dự thảo luật, đại biểu Anh đề nghị rà soát tham chiếu các khái niệm quốc tế và một số khái niệm đã được quy định tại các văn bản của Chính phủ để đảm bảo sự thống nhất; phân định rõ về khái niệm và cách hiểu, cũng như khi triển khai thực hiện.
Đảm bảo bao quát đầy đủ và phù hợp với tính đa dạng của các loại phương tiện này cũng như dự liệu được sự phát triển mạnh mẽ của các loại phương tiện này trong tương lai, nhất là trong ứng dụng đối với các hoạt động kinh tế - xã hội.
"Đề nghị nghiên cứu bổ sung một số nội hàm để hai khái niệm này được đầy đủ hơn, bao gồm tính năng vận hành của phương tiện, tự điều khiển bằng hệ thống máy tính lắp sẵn trên phương tiện hoặc được điều khiển từ xa"- đại biểu Anh nêu quan điểm.
Bổ sung tiêu chuẩn, tiêu chí điều khiển tàu bay không người lái
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị làm rõ nội hàm của “kinh doanh” tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; đồng thời, việc quy định “thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm” tại Điều 28 có thuộc nội hàm của “kinh doanh” không.
Cùng với đó làm rõ mối quan hệ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong cấp giấy chứng nhận cho cơ sở thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để đảm bảo thống nhất trong quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật, tránh chồng chéo giữa các Bộ.
Cũng về khoản 4 Điều 28 quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm kinh doanh tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đề nghị bổ sung “và Bộ Công an” vào sau cụm từ “ theo quy định của Bộ Quốc phòng” để tương thích với thẩm quyền của Bộ Công an được quy định tại khoản 3 Điều này.
Theo đó, Bộ Công an có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý. Vì vậy, việc tổ chức, cá nhân khi thử nghiệm thực tế tính năng bay của tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ phải tuân thủ các quy định của Bộ Công an là cần thiết và phù hợp.
Theo đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Điều 28 của dự thảo Luật đã có quy định về thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Tuy nhiên, chưa có quy định về hoạt động sản xuất tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định này.
Ngoài ra, điểm c khoản 2 Điều 29 quy định, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Đại biểu đề nghị cần giải thích rõ cụm từ “có kiến thức về hàng không” với những tiêu chí cụ thể. Theo đại biểu, tiêu chí cần đặt ra là được đào tạo bài bản, có chứng chỉ để đảm bảo an toàn hàng không.