Báo cáo Thủ tướng phương án xử lý vướng mắc quy hoạch bauxite trong tháng 7
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cùng với các tỉnh Tây Nguyên rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý những vướng mắc liên quan đến quy hoạch bauxite trong tháng 7/2024.
Yêu cầu trên đã được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba, diễn ra chiều 23/6, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng phản ánh việc thực hiện một số công trình trọng điểm quốc gia, công trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp khó khăn do có sự chồng lấn giữa Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trong đó có bauxite, với Quy hoạch sử dụng đất tại (phê duyệt tại Quyết định 326).
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí cho các dự án kết nối giao thông với các vùng khác; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; cơ chế, kinh phí phát triển nguồn nhân lực vùng Tây Nguyên.
Tỉnh Kon Tum kiến nghị bổ sung cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030; quan tâm bố trí kinh phí thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Ngọc Hồi-Kon Tum-Pleiku.
Kon Tum cũng đề nghị các bộ, ngành sớm có ý kiến đối với Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen tại huyện Kon Plông; Bộ NN&PTNT sớm hoàn thiện Đề án thí điểm về cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu.
Trong khi đó, tỉnh Đắk Nông mong các bộ, ngành Trung ương quan tâm hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án tổ hợp chế biến quặng-alumi-luyện nhôm theo Quy hoặc thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Gia Lai đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP các văn bản pháp luật có liên quan về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành lập tổ công tác để chia sẻ thông tin, tăng cường trao đổi, phối hợp giữa các địa phương trong vùng trong quá trình xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Nguyên.
Đắk Lắk cũng đề xuất Trung ương cho phép các chính sách đặt thù của các vùng khác đang được triển khai có hiệu quả được áp dụng tại Tây Nguyên.
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phản hồi bước đầu về các đề xuất, kiến nghị của các địa phương; đề nghị các tỉnh Tây Nguyên tập trung củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, làm tốt công tác sắp xếp nông lâm trường để tạo quỹ đất hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của các địa phương tại Hội nghị; đề nghị các địa phương, nhất là đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù cho Tây Nguyên.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trong tháng 5 và dự kiến sẽ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp trong tuần tới, Phó Thủ tướng cho biết.
Đối với vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản quốc gia, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN&MT rà soát Luật Khoáng sản đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, bảo đảm luật không làm khó các địa phương khi thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư công.
Liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng đánh giá cao các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân của cả nước. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ đến nay chưa có địa phương nào ở Tây Nguyên chỉ ra huyện nào thí điểm trộn vốn 3 Chương trình dù đã được Quốc hội cho phép.
Về chuyển đổi số, Phó Thủ tướng mong Tây Nguyên "đừng nghĩ chuyển đổi số chỉ dành cho người giàu, thế giới văn minh", bởi thực tế có địa phương nhờ áp dụng chuyển đổi số đã vượt qua những địa phương khác.
Phó Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn kết hơn và học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương để cùng phát triển, nhất là trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối và thu hút đầu tư nước ngoài.