Công nghiệp livestream bán hàng: Doanh thu ảo - nhiều mối lo thật
Thương mại điện tử đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% và được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, việc nở rộ kinh doanh online, livestream bán hàng cũng khiến việc quản lý hàng giả, nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội... trở nên khó khăn.
Bán hàng công khai, nhưng thật - ảo khó lường
Hiện nay, mua sắm trực tuyến dần quen thuộc với nhiều người giúp bán hàng đa kênh trở nên phổ biến. Thậm chí mô hình này giờ còn phát triển như một ngành công nghiệp mới tại Việt Nam khi ngày càng đông đảo sự tham gia của các nhãn hàng lớn.
Hình thức bán hàng livestream được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác với khách hàng. Người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng, cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm. Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%), bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.
Những danh xưng "chiến thần livestream", "nữ hoàng chốt đơn"… cũng từ đó ra đời. Phiên livestream bán hàng của Tiktoker Quyền Leo Daily (vợ chồng Lã Quốc Quyền và Nguyễn Lan Anh) kéo dài từ 10h sáng ngày 05/5 đến 24h cùng ngày. Sau hơn 15 tiếng livestream bán hàng liên tục, cặp vợ chồng tuyên bố cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 3/2024, “chiến thần livestream” Võ Hà có phiên bán hàng thu hút đến 80.000 lượt xem trực tuyến ở thời điểm cao nhất. Ước doanh số trong phiên này đạt hơn 20 tỷ đồng. Hay như “chúa tể vạn đơn” Phạm Thoại livestream đã bán được gần 18.000 đơn hàng chỉ trong 6 tiếng…
Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng lên sàn. Như chương trình livestream bán hàng tại chợ Bến Thành trong một sự kiện thương mại lớn. Trong 5 ngày (từ 11 đến 16/12/2023), hơn 100 KOLS, người nổi tiếng được Ban quản lý chợ Bến Thành, Quận 1 (TP.HCM), mời đến để livestream bán hàng cùng tiểu thương.
Kết quả, đã tiếp cận 81,6 triệu người, chốt được 18.200 đơn trị giá 4,2 tỷ đồng. Hay cuối tháng 01/2024, Ngày hội mua sắm Tết tại TP. HCM – chợ Thủ Đức trực tuyến chốt được 17.000 đơn qua bán hàng livestream.
Thực tế, các phiên livestream có doanh số tiền tỉ xuất hiện ngày càng nhiều. Song, lượng đơn hàng thực tế, tỉ lệ giao hàng thành công bao nhiêu vẫn còn là ẩn số, hầu như không người bán nào tự tin chia sẻ.
Bà Q.Q, một KOL chuyên livestream bán hàng thời trang trên sàn thương mại điện tử, cho biết, trong các phiên livestream tỉ lệ đơn ảo (các sản phẩm không bán chạy) do nội bộ đặt chiếm tỉ trọng khá lớn, bởi những nhãn hàng đang bán chạy thường ít tham gia các phiên Megalive giảm giá "sập sàn" hoặc nếu có chỉ tham gia 200-300 đơn để làm thương hiệu.
Bên cạnh những lùm xùm xung quanh các phiên livestream trăm tỷ, gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ việc các đối tượng lợi dụng livestream bán hàng để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG - chuyên các giải pháp chống hàng giả), cho biết các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả đang tận dụng kênh livestream để bán hàng giả. Họ khéo léo quay các video về kho hàng, hình ảnh hàng hóa thực tế để tạo niềm tin cho khách hàng chốt đơn.
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh kiểm soát
Việc quản lý hoạt động này cũng là bài toán làm “nóng” phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - bày tỏ băn khoăn về những phiên livestream bán hàng các nền tảng và mạng xã hội đạt doanh số khủng là thực hay ảo? Giá bán rẻ hơn cả đại lý, rẻ đến "hoang mang" không biết hàng thật hay hàng giả?.
Đại biểu Dương Minh Ánh- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội nêu một trong những vấn đề hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Trong đó vấn đề bảo mật, an toàn thông tin cá nhân, các trường hợp vi phạm dữ liệu thông tin cá nhân khiến cử tri lo lắng và do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến.
Trong phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức trong thương mại điện tử, trong đó, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hàng giả, hàng kém, chất lượng... đổ bộ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng. Cùng đó, tỷ lệ thất thu thuế trên thương mại điện tử còn rất lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian vừa qua, thương mại điện tử đã giao dịch với một lượng rất lớn, với doanh số lên tới gần 21 tỷ USD. Việc nộp thuế trong lĩnh vực này của năm 2023 theo thống kê gần 100 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022. Tuy nhiên, không thể phủ nhận còn thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Không né tránh trách nhiệm và thẳng thẳn tìm giải pháp, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với ngành thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng, sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện việc rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Để khắc phục thực trạng lộ lọt thông tin cá nhân trên môi trường mạng (tuy không phổ biến), Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Công an trong việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật toàn diện trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thương mại điện tử.
Đẩy mạnh truyền thông về các quy định mới của pháp luật về Nghị định hướng dẫn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh tuân thủ xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin và yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải công khai chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện việc thu thuế của sàn thương mại điện tử. Bộ cũng đã tăng cường tuyên truyền cũng như hướng dẫn người nộp thuế và thực hiện mở Cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cùng với đó, phối hợp một cách quyết liệt với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an để xử lý vấn đề này.
Việc kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; quản lý và chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý.
Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay.