Đại tá - Nhà báo Trần Thế Tuyển: Mỗi nhà báo phải ghi nhớ mình là một chiến sĩ, mỗi trang viết là vũ khí
Từ những năm tháng nhân dân ta đấu tranh vì độc lập tự do dân tộc đến khi đất nước hòa bình và phát triển, báo chí Việt Nam luôn đồng hành và nắm giữ một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội gần một thế kỷ qua. Từng là một chiến sĩ anh dũng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thời chiến, thời bình, Đại tá - Nhà báo Trần Thế Tuyển được coi là một trong những cây bút gạo cội trong nền báo chí cách mạng.
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925 - 21/6/2024, Đại tá - Nhà báo Trần Thế Tuyển đã có những chia sẻ về vai trò của báo chí hiện nay.
Phóng viên: Thưa ông, là một nhà báo thâm niên từng là chiến sĩ, ông có thể chia sẻ về vai trò của báo chí trong thời chiến như thế nào?
Đại tá - Nhà báo Trần Thế Tuyển: Chiến tranh là hiện tượng bất thường của xã hội loài người. Có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Để có độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, dân tộc Việt Nam ta đã phải dốc sức thực hiện các cuộc chiến tranh chính nghĩa nhằm giải phóng và bảo vệ đất nước. Muốn huy động được sức mạnh tổng hợp ấy công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Với tư cách là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng, tuyên truyền, trong chiến tranh báo chí giữ vai trò nòng cốt nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, động viên tổng lực phục vụ chiến tranh và biểu dương những nhân tố tích cực trong các cuộc cách mạng trong từng giai đoạn của lịch sử.
Phóng viên: Theo ông, vai trò của báo chí trong xã hội hiện nay có thay đổi gì so với vai trò của báo chí trong những thập kỷ trước không?
Đại tá – Nhà báo Trần Thế Tuyển: Mỗi giai đoạn lịch sử, cách mạng nước ta có những mục tiêu, nhiệm vụ khác nhau. Là vũ khí sắc bén của công tác tư tưởng, báo chí cũng có phương pháp tác nghiệp khác nhau. Nếu trong chiến tranh, báo chí tập trung tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; tìm mọi cách phù hợp để minh chứng và vận động toàn xã hội thực hiện chủ trương ấy; thì báo chí thời bình - thời hội nhập quốc tế và chuyển đổi số phải có phương pháp tác nghiệp khoa học và hiệu quả. Báo chí không chỉ tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách mà còn phản biện nhằm phát hiện những bất cập của các chính sách ấy, động viên mở lối cho mọi người cùng thực hiện. Ấy là chưa nói về nhiệm vụ chính trị rất quan trọng nữa của báo chí là: Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần xây dựng đời sống văn hoá của cộng đồng xã hội…
Phóng viên: Trong sự nghiệp báo chí của mình, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông là gì?
Đại tá – Nhà báo Trần Thế Tuyển: Tôi đã có gần nửa thế kỷ viết báo và làm báo. Từ cộng tác viên, thông tín viên, được giao làm tổng biên tập và quản lý một số cơ quan báo chí, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Vui có và buồn cũng có. Nhưng có lẽ kỷ niệm làm báo trong chiến tranh là những kỷ niệm không thể phai mờ trong ký ức của tôi. Đó là thời chống Mỹ, là trợ lý tuyên huấn, trực tiếp phụ trách Tờ tin của đơn vị, tôi và đồng đội có lúc chôn cất hàng chục liệt sĩ trong một đêm. Tận mắt chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, tôi thầm hứa với mình, nếu còn sống sẽ tìm mọi cách tri ân đồng đội- những người đã chết thay mình hay nói cách khác, cử mình ở lại tiếp tục hành quân…
Phóng viên: Và, có phải vì thế, khi nghỉ hưu mặc dù tuổi cao, sức khỏe không còn được như trước, ông vẫn cùng đồng đội hành quân đi tìm đồng đội, đưa hài cốt đồng đội về quê và hỗ trợ gia đình, thân nhân liệt sĩ ?
Đại tá – Nhà báo Trần Thế Tuyển: Đúng như thế, sau khi rời Báo Sài Gòn giải phóng, tôi có ý nguyện dành thời gian còn lại truyền lửa nghề cho sinh viên báo chí và viết sách. Nhưng nhiệm vụ trái tim với đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc thôi thúc tôi tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM. Thời gian chưa nhiều, 4 năm qua kể từ ngày thành lập, Hội đã làm được một số việc đáng ghi nhận tri ân Liệt sĩ và hỗ trợ gia đình Liệt sĩ.
Phóng viên: Theo ông, những thách thức lớn nhất mà ngành báo chí phải đối mặt trong thời đại công nghệ số hiện nay là gì?
Đại tá – Nhà báo Trần Thế Tuyển: Như tôi đã nói ở trên, mỗi giai đoạn lịch sử báo chí có phương pháp tác nghiệp khác nhau để thực hiện mục đích góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thời hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh rất nhiều thuận lợi về vị thế, phương tiện trang bị, môi trường hoạt động, báo chí phải vượt qua nhiều thách thức. Ví dụ việc thực hiện tôn chỉ mục đích; sự cám dỗ của vật chất, lợi ích và cả sự tồn tại với tư cách đơn vị truyền thông đa phương tiện…
Phóng viên: Ông có lời khuyên nào dành cho những người trẻ đang theo đuổi nghề báo không?
Đại tá – Nhà báo Trần Thế Tuyển: Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang và đầy khó khăn của mình, nếu có lời khuyên với thế hệ làm báo hiện nay, đặc biệt các bạn trẻ, tôi mạo muội đôi điều.
Thứ nhất, phải xác định mục tiêu nghề báo. Như Bác Hồ đã nói, nhà báo là chiến sĩ, cây bút trang viết là vũ khí của họ.
Thứ hai, phải dũng cảm vượt qua khó khăn, kể cả sự cám dỗ, tu dưỡng, rèn luyện bản thân, khiêm tốn học tập và cống hiến.
Điều nữa là nhà báo phải luôn nuôi dưỡng ngọn lửa nghề, yêu nghề, say nghề…
Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ! Chúc ông luôn dồi dào sức khỏe và thành công trong việc truyền lửa nghề cũng như trong những cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.