Nữ Thẩm phán “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Hơn 25 năm gắn bó với Tòa án, dù ở bất kỳ cương vị nào, Thẩm phán Lê Thị Hạnh, Phó Chánh án TAND thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cũng luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là tấm gương điển hình trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Công tác trong hệ thống Tòa án từ năm 1997, đến năm 2015 Thẩm phán Lê Thị Hạnh được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh án TAND thị xã Nghi Sơn. Khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chị luôn chịu khó nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập điều tra xác minh đầy đủ các chứng cứ, xây dựng thủ tục tố tụng chặt chẽ, áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, cân nhắc, cẩn trọng, chính xác, kỹ lưỡng… để đi đến một phán quyết đúng đắn, hợp lý, hợp tình để người dân tin vào công lý và sự công bằng của pháp luật.
Theo Thẩm phán Hạnh, giải quyết án hôn nhân gia đình, dân sự và kinh doanh thương mại, thực chất chủ yếu là giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và trong từng gia đình nằm trong lĩnh vực tư tưởng tình cảm, do vậy muốn giải quyết các loại án trên có kết quả tốt, ngay từ khâu nhận đơn khởi kiện đến thụ lý giải quyết, bản thân chị luôn xác định cần phải nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng cũng như những bức xúc của các bên đương sự và tính chất riêng của từng vụ án.
Từ đó kiên trì hòa giải và giải thích pháp luật về những vấn đề liên quan đến vụ án, giúp cho đương sự nhận thức được những vấn đề mà pháp luật quy định, phần nào giảm bớt những căng thẳng trong từng vụ án. Kết quả hòa giải thành các vụ án chị thụ lý đều rất cao (dân sự, kinh doanh thương mại đạt tỷ lệ 88%; hôn nhân gia đình đạt tỷ lệ 100%) trong tổng số án đã giải quyết.
Năm 2021, các loại án nói trên chị đều không phải đưa ra xét xử vụ nào (100% đều ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự) đúng như lời dạy của Bác Hồ đối với TAND: “Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử lại càng tốt hơn…”.
Khi tham gia xét xử án hình sự, chị luôn tập trung nghiên cứu hồ sơ vụ án, kiểm tra đầy đủ các bút lục có trong hồ sơ, đặc biệt là kiểm tra xem bị cáo có bị tạm giam không, để ra quyết định tạm giam theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chị luôn nghiên cứu tài liệu và đánh giá các chứng cứ một cách khách quan, toàn diện và thận trọng và báo cáo Chánh án lên kế hoạch xét xử kịp thời, không để án tồn đọng, kéo dài.
Phó Chánh án Lê Thị Hạnh chia sẻ, nếu tài liệu, chứng cứ của một vụ án nào đó còn mâu thuẫn thì chị sẽ trao đổi ngay với kiểm sát viên theo quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, để giải quyết vụ án theo quy định pháp luật và nghiên cứu kỹ về thủ tục tố tụng, tài liệu từ giai đoạn điều tra như: Các biên bản phạm pháp quả tang, biên bản hiện trường, bản tự khai và lời khai của những người làm chứng cũng như biên bản thu giữ vật chứng... cũng như các tài liệu ở giai đoạn truy tố, để phân tích, đánh giá rút ra tính khách quan của vụ án và có phương án, kế hoạch xét hỏi, tranh luận công khai tại phiên tòa.
Vì thế, trong năm qua không có vụ án nào bị kháng nghị, kháng cáo ít, hay bị hủy và cải sửa nghiêm trọng do lỗi chủ quan. Các vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung điều được chấp nhận.
Chị cho hay, với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác xét xử các vụ án điểm, bản thân đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ được giao như: Sáng kiến nâng cao kết quả giải quyết án và giảm bớt các chi phí trong tố tụng; Sáng kiến, kinh nghiệm trong xét xử án hìn sự; Sáng kiến kinh nghiệm về nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến luật hòa giải, đối thoại nhằm giúp người dân hiểu rõ và sâu sắc hơn về ý nghĩa việc hòa giải, đối thoại…
Bên cạnh công tác chuyên môn, chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng, hoạt động phong trào ở cơ quan cũng như tại địa phương và có những đóng góp tích cực trong các phong trào, hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao. Chị luôn tích cực phối hợp với Công đoàn TAND, thăm hỏi, động viên kịp thời công chức, người lao động trong đơn vị ốm đau, có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức thăm và tặng quà các gia đình thương binh liệt sỹ…
Chị luôn tâm niệm rằng gia đình có ấm êm thì mới có tâm trí để hoàn thành công việc mà Đảng, Nhà nước giao phó. Chồng là trụ cột tinh thần, các con là bến đỗ hạnh phúc. Bản thân là người phụ nữ của gia đình, phải chăm lo con cái học hành và phụng dưỡng bố mẹ khi tuổi đã cao, nên chị luôn phải sắp xếp hài hòa giữa việc cơ quan và việc nhà để có thể hoàn thành tốt một khối lượng lớn công việc trên. Ngoài sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, những lời động viên, giúp đỡ đến từ chồng con, là động lực to lớn để chị vượt qua mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong quá trình công tác, để kịp thời động viên cũng như ghi nhận những cống hiến của Thẩm phán Lê Thị Hạnh, lãnh đạo TANDTC cũng như lãnh đạo địa phương trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen. Đặc biệt năm 2023, chị đã vinh dự được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu "Thẩm phán giỏi".