Diễn đàn pháp lý

Vụ ôtô bị tàu hỏa tông văng: Chủ xe có được bảo hiểm đền bù?

Vũ Đậu 07/06/2024 07:38

Theo Luật sư Trương Anh Tú, vụ tai nạn vốn dĩ là bất khả kháng, rủi ro không mong muốn của chủ xe và thực tế là có xảy ra thiệt hại về tài sản.

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trên địa bàn Thành phố Hà Nội vừa xảy ra vụ tai nạn tàu hỏa đâm vào ôtô.

anh-1-oto-bi-tau-hoa-tong-vang.jpg
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: cắt từ clip

Theo đó, vào 17h16 ngày 5/6, tàu hàng 3604 chạy đến km 12+200 khu gian Kim Nỗ - Phú Diễn tuyến đường sắt vành đai Hà Nội thì va phải xe ôtô đỗ vi phạm khổ giới hạn đường sắt.

Xe ôtô sau đó bị văng ra khỏi đường sắt. Rất may vụ tai nạn không xảy ra thiệt hại về người.

Theo đoạn clip được người dân ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội, lái xe đã đỗ xe sát đường ray và di chuyển đi chỗ khác. Khi tàu đến, có người hô to thì lái xe mới biết chạy tới nhưng không kịp cứu vãn tình huống.

Được biết, sau khi xuất hiện thông tin về vụ tai nạn, nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc nếu chủ xe có mua bảo hiểm ôtô tự nguyện thì trong trường hợp này, liệu phía công ty bảo hiểm có bồi thường thiệt hại về tài sản.

Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm cho biết, vụ tai nạn vốn dĩ là bất khả kháng, rủi ro không mong muốn của chủ xe.

luat-su-truong-anh-tu.jpg
Luật sư Trương Anh Tú.

Để đảm bảo tính công bằng, hợp lý cũng như quyền lợi chính đáng của người mua bảo hiểm tự nguyện, việc bồi thường thiệt hại về về thân vỏ, máy móc và thiết bị của xe do các rủi ro như cháy nổ, va chạm, mất cắp, sự cố do thiên tai… (nếu có) là đúng quy định.

Tuy nhiên, trong trường hợp tình huống tai nạn này, các hãng bảo hiểm nói chung có thể sẽ từ chối bồi thường cho chủ xe với lý do chủ xe vi phạm pháp luật về an toàn giao thông (theo thông tin đã đưa là “đỗ vi phạm khổ giới hạn đường sắt”), dẫn đến hậu quả và nằm ngoài phạm vi được bảo hiểm.

Cũng theo Luật sư Trương Anh Tú, liên quan vấn đề bồi thường bảo hiểm, thời gian qua xảy ra không ít các vụ tranh chấp xoay quanh nghĩa vụ thanh toán phí bảo hiểm, hiệu lực và phạm vi của hợp đồng bảo hiểm, điều kiện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm cũng như mức độ tổn thất…

Để tránh xảy ra sai sót, đảm bảo đúng quy trình giải quyết bồi thường theo quy định, người tham gia bảo hiểm nên tìm hiểu kỹ khung pháp lý và nội dung giao dịch khi tham gia bảo hiểm.

Khi xảy ra sự cố, cần có động thái kịp thời như lập biên bản hiện trường, vi bằng làm bằng chứng về sự kiện bảo hiểm… Đồng thời, nhanh chóng phối hợp với đơn vị bảo hiểm để xử lý đúng quy trình, đảm bảo quyền lợi cho mình.

Vũ Đậu