Đời sống

Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước

Nhật Minh - Lâm Thanh 31/05/2024 - 11:08

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.

Sáng ngày 31/5, Diễn đàn “Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững” do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là năm thứ hai diễn này này được tổ chức, với mục tiêu trở thành sự kiện thường niên nhằm tham góp, đề xuất thêm nhiều giải pháp để mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp ngày càng bền chặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

z5493200105923_a39c879892515b06151079debb097d43.jpg
Toàn cảnh diễn đàn.

Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh

Tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh. Ông nhấn mạnh, báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên báo chí giúp các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi phân tích, báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng và cần thiết, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp. Theo ông, đây không chỉ là cầu nối để quảng bá thương hiệu sản phẩm, chất lượng hàng hóa, phương thức bán hàng và tiêu thụ sản phẩm…, mà còn là kênh cung cấp thông tin để doanh nghiệp nắm được nhu cầu khách hàng, thông tin từ đối tác, sự phát triển của thị trường trong và ngoài nước, từ đó có những quyết sách phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

z5493200105813_83e1ed22ba75eeb7bf66c59244f0c86e.jpg
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh giữa báo chí và doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, ông đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi.

“Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng lòng tuân thủ. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể "chết yểu" ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí khai tử ngay trước giờ ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng", TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí chính thống

Bày tỏ quan điểm về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, môi trường kinh tế thế giới và môi trường kinh tế Việt Nam đã thay đổi, tạo ra sự chuyển biến lớn tại các cơ quan báo chí. Do đó, nếu các cơ quan báo chí chỉ phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn bởi hiện nay nguồn chi quảng cáo ở các doanh nghiệp Việt Nam cho các tờ báo chính thống đang dần bị thu hẹp. Thay vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại đang chi nhiều hơn cho hoạt động quảng cáo của các kênh thông tin nước ngoài. Song trong số những kênh thông tin này, có rất nhiều kênh lại lan tỏa thông tin sai lệch, không đúng đắn.

Chính vì vậy, nhiệm vụ của báo chí phải là kênh thông tin chính xác, tạo chiều sâu và nêu lên những bất cập của đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, doanh nghiệp nên chủ động cung cấp thông tin, phối hợp các cơ quan truyền thông chính thống nhằm đưa chính xác thông tin, thay vì né tránh cơ quan báo chí.

z5493202447760_9f40426346dc855c08d95f3be45fd5d7.jpg
Diễn đàn thu hút đông đảo sự tham gia của các phóng viên, nhà báo và các doanh nghiệp.

Cũng tại diễn đàn, ThS Lê Dung, Tổng Giám đốc CTCP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup cho rằng, báo chí nên tạo điều kiện để doanh nghiệp và độc giả tương tác trực tiếp, đưa ra phản hồi và góp ý. Điều này không chỉ giúp báo chí hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mà còn cải thiện chất lượng thông tin. Báo chí cần xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Vũ Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, với Hapro khi tham gia các tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã giúp công ty hiểu rõ được lợi ích từ những chính sách mới, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng thị trường xuất khẩu thế mạnh của Hapro như gạo, hạt điều, cà phê…; đa dạng hóa nguồn hàng trong hệ thống bán lẻ và phân phối, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa; tiếp cận tốt hơn với công nghệ, cải thiện năng lực quản lý, tăng khả năng tự đổi mới của doanh nghiệp.

Diễn đàn "Báo chí- Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững" được tổ chức tại Hà Nội (ngày 31/5/2024); TP.HCM (ngày 04/6/2024) và TP. Buôn Mê Thuột- Đắk Lắk (ngày 14/6/2024).

Nhật Minh - Lâm Thanh