Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát năm 2025.
Sáng 30/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.
Trình bày tờ trình, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).
Cho ý kiến về các chuyên đề, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga– Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương ủng hộ chọn Chuyên đề 1. Đại biểu cho rằng, “ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm”.
“Nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, theo tôi là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng”, đại biểu Việt Nga nêu quan điểm.
Đại biểu Lê Thanh Vân- Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau ủng hộ việc Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề 2, bởi theo ông, nguồn nhân lực, cán bộ là gốc rễ của vấn đề; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra một cách bức xúc.
“Giám sát chuyên đề này là giám sát quá trình phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng, sử dụng. Từ đầu nhiệm kỳ, tôi đề nghị tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, nếu làm được thì tạo chuyển biến rất căn bản”, đại biểu Vân nói.
Đáng chú ý, đại biểu Trần Hoàng Ngân- Đoàn ĐBQH TP HCM đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát thêm một chuyên đề liên quan đến đầu tư công và quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu cho rằng, thời gian qua Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM và nhiều tỉnh, thành.
“Tại Kỳ họp thứ 7 này sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An và Đà Nẵng. Tới đây nhiều địa phương khác cũng sẽ tiếp tục xin chơ chế, chính sách đặc thù. Điều đó cho thấy rất cần thay đổi đột phá trong luật pháp hiện nay, nhất là Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.
Trước đề xuất của đại biểu Trần Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, khi tiến hành giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trước đây, đoàn giám sát cũng tập trung vào đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công.