Kinh tế

Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế

Bình Nguyên 29/05/2024 15:41

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn của Đảng vừa thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển vừa góp phần phát triển kinh tế chung của đất nước.

anh-1-2-.jpg
Ảnh minh họa: Một góc TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao.

Khu vực kinh tế tư nhân phủ rộng khắp các ngành nghề

Triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển Kinh tế tư nhân (KTTN), Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP/2023 về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 45 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường, trong đó có 60.000 đến 70.000 DN quy mô vừa và lớn; đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN, hình thành và phát triển nhiều tập đoàn KTTN mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTTN đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn 35 năm đổi mới, KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39%-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội... Đặc biệt lực lượng DN tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hiện nay, khu vực KTTN phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô. Theo Sách trắng DN năm 2022, các chỉ số phản ánh quy mô của DN tư nhân bình quân giai đoạn 2016-2020 đều tăng mạnh so với giai đoạn 2011-2015, như: Số lượng DN hoạt động tăng 160,7%; số lao động tăng 125,2%; nguồn vốn tăng 235,5%; tài sản cố định và đầu tư dài hạn tăng 254,0%.

Khu vực kinh tế này đã phát triển bao phủ rộng khắp hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn, và đã xuất hiện những DN tư nhân lớn sau thời gian hoạt động. Theo Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022. Trong số 100 tập đoàn, công ty lớn nhất Việt Nam năm 2022, có đến 44 DN tư nhân; trong Top 10 có sự xuất hiện của Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Vingroup và Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động. Những DN này duy trì thứ hạng trong Top 10 đã nhiều năm. DN tư nhân cũng đang dần chiếm vị thế áp đảo trong danh sách DN đạt vốn hóa tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó có 3 cái tên là Tập đoàn Vingroup, Công ty Vinhomes và Tập đoàn Hòa Phát.

tcbc-vnr500-2022_danh-sach-2.png
Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2022.

Nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã triển khai thực hiện đầu tư theo chiều sâu, tiến hành mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ và từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế, như: Vingroup, Vietjet, Trường Hải, Massan, TH, Lộc Trời… Đã có 6 doanh nghiệp khu vực tư nhân lọt vào nhóm 200 công ty niêm yết có hoạt động hàng đầu khu vực châu Á với doanh thu từ 1 tỷ USD trở lên.

Sự phát triển của KTTN đã làm xuất hiện một đội ngũ doanh nhân tài năng đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Việt Nam hiện có sự góp mặt của 6 tỷ phú trong danh sách tỷ phú thế giới của Tạp chí Forbes bình chọn.

Đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP của cả nước

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ trọng lớn vào GDP của cả nước (khoảng 46,4%); so với khu vực kinh tế nhà nước là 28,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 18%. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đạt khoảng 55% năm 2025 và 60 - 65% GDP năm 2030.

Để đạt được mục tiêu đặt ra cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả về phía Nhà nước và doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, về phía Nhà nước, cần tiếp tục tạo lập môi trường bảo đảm sự cạnh tranh thật sự bình đẳng, lành mạnh, để KTTN phát huy được vai trò của mình. Cùng với đó, tập trung hỗ trợ các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có sự chuyển giao công nghệ tiên tiến, để các DN không cảm thấy “cô đơn”; nhưng cũng cân nhắc hạn chế hỗ trợ dàn trải cho những DN chỉ có các sản phẩm thông thường, không mang lại nhiều lợi ích, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng… Cần tạo chuỗi cung ứng mới, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, đồng thời gia tăng niềm tin với các DN.

Xác định đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, thúc đẩy tham gia DN trong đầu tư, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ DN. Về phân bổ nguồn lực, cần tập trung nâng cao chất lượng, hỗ trợ DN trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.

Để phát triển, tự thân khu vực KTTN cũng phải tích cực, chủ động tiến hành các điều chỉnh nhằm thích ứng được với xu thế phát triển, bối cảnh mới, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những bất định mang tính toàn cầu (ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, những xung đột quốc tế, quân sự, biến đổi khí hậu), hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. KTTN, nhất là các DN tư nhân cần chú trọng đẩy mạnh đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh… và kết nối được với chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của các DN, tập đoàn lớn.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng và hoàn thiện Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển KTTN ở Việt Nam” với mục tiêu chính là đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực KTTN phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bình Nguyên