Xử lý triệt để các vi phạm về giám sát hành trình tàu cá
Thực tiễn cho thấy công tác quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, chống khai thác IUU của Việt Nam vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nhất định.
Chiều ngày 23/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Công điện số 49/CĐ-TTg về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS).
Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc
Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Thuỷ sản, Cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 21/5/2024, trên phạm vi cả nước, số lượng tàu cá từ 15m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 28.584/29.095 tàu cá (đạt 98,25%). Số lượng tàu cá chưa được lắp đặt tại các tỉnh còn 511 tàu.
Tỷ lệ số lượng tàu cá có kết nối trung bình hàng ngày qua hệ thống giám sát tàu cá hiện nay đạt khoảng 60%. Triển khai công tác vận hành hệ thống giám sát tàu cá tại các địa phương, đến nay có 27/28 địa phương tổ chức trực 24/7 (bao gồm trực giờ hành chính và trực online ngoài giờ hành chính).
26/28 địa phương đã ban hành các quy trình xử lý tàu các vi phạm vượt ranh giới; tàu cá mất kết nối trên biển; 19/28 địa phương đã ban hành quy trình tháo gỡ, lắp đặt lại thiết bị; 12/28 địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân mua thiết bị giám sát hành trình; 14/28 địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ cước phí dịch vụ VMS cho ngư dân...
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy công tác quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá, chống khai thác IUU của Việt Nam vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc, hạn chế nhất định. Mặc dù số lượng tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt rất cao (98,25%), nhưng rất nhiều tàu cá không duy trì hoạt động;
Tình trạng tàu cá bị mất kết nối trên biển hàng ngày còn nhiều gây khó khăn trong việc kiểm soát của lực lượng chức năng không biết tàu có đi khai thác trên biển hay không. Đáng chú ý, công tác xử lý vi phạm tàu cá vượt ranh giới, mất kết nối còn hạn chế. Xử lý vi phạm với tỷ lệ rất thấp, thiếu sức răn đe...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, vừa qua Bộ đã có Đoàn Công tác sang làm việc với Ủy ban châu Âu (EC). EC đánh giá, mặc dù văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, quyết tâm chính trị cao và rất quyết liệt, song vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương còn hạn chế.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, 3 vấn đề quan trọng nhất là quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính phải được xử lý thật nghiêm nếu có vi phạm. Tỷ lệ vi phạm bị xử phạt còn thấp chứng tỏ chưa có sự vào cuộc đồng bộ.
Thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, các đoàn công tác khi đi kiểm tra. địa phương nào còn tồn tại, chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ… sẽ báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình ngay.
Theo ông Hà Lê, Giám đốc Trung tâm Thông tin Thủy sản, tình trạng tàu cá bị mất kết nối trên biển hàng ngày còn nhiều gây khó khăn trong việc kiểm soát, không biết tàu có đi khai thác trên biển hay không. Nhiều tàu di chuyển ngư trường tắt thiết bị VMS, nhưng địa phương chưa nắm được tàu hiện đang ở đâu.
Vẫn có tình trạng chủ tàu và ngư dân cố ý tự tháo lắp thiết bị VMS khi đang khai thác trên biển gửi sang tàu khác đang diễn ra có tổ chức rất tinh vi nhằm đưa tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hoặc mất kết nối do lỗi kỹ thuật của các nhà cung cấp thiết bị.
Bên cạnh đó, một số đơn vị cung cấp thiết bị chưa thực hiện nghiêm túc các quy định, cụ thể như chưa báo cáo định kỳ về tình hình lắp đặt, chưa xử lý sự cố tín hiệu kịp thời thiết bị do đơn vị mình cung cấp, cập nhật thông tin tàu, chủ tàu lên hệ thống giám sát tàu cá còn bị sai nhiều. Đặc biệt là chưa kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định nguyên nhân mất kết nối để khắc phục.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm VMS
Đại diện Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) - một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình cho biết, đơn vị cung cấp khoảng 6.000 thiết bị. Số lượng hoạt động thường xuyên khoảng 4.000 thiết bị. Nguyên nhân mất kết nối do mất nguồn khoảng 40% trong số thiết bị mất kết nối, lỗi phần mềm 30%, 2% thiết bị hỏng… còn lại chưa xác định được nguyên nhân.
Đại diện Vishipel cho biết, theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, thiết bị VMS sẽ phải đáp ứng các tính năng mới.
Các địa phương yêu cầu sản phẩm phải đáp ứng được theo Nghị định số 37/2024/NĐ-CP mới lắp. Do đó, doanh nghiệp cần cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn để sản phẩm được công nhận.
Để thực hiện Công điện số 49/CĐ-TTg, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác trên, Bộ NN&PTNT, Cục Kiểm ngư đề nghị, các cơ quan chức năng tập trung rà soát, nâng cấp, mở rộng phần mềm giám sát tàu cá đáp ứng yêu cầu theo dõi, phân tích dữ liệu phát hiện các hành vi vi phạm VMS; nâng cấp mở rộng các phần mềm có liên quan (xử phạt vi phạm hành chính, truy xuất nguồn gốc điện tử- eCDT); sửa đổi, bổ sung các cơ chế chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng để bảo đảm các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý nhanh nhất.
Các địa phương khẩn trương rà soát số lượng tàu cá chưa lắp đặt, khẩn trương lắp, trường hợp tàu nằm bờ, không hoạt động cần nắm rõ địa điểm nằm bờ, yêu cầu chủ tàu cam kết không ra khơi khi chưa lắp thiết bị VMS. Rà soát toàn bộ các tàu cá mất kết nối dài ngày, quản lý chặt chẽ số tàu này tránh việc tàu đi khai thác.
Đặc biệt, xử lý thật nghiêm các tàu cá vi phạm quy định về VMS để tạo sự răn đe. Các cảng cá, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát cần sử dụng hệ thống để kiểm soát một cách hiệu quả việc ra - vào cảng, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm…
Hy vọng, các địa phương sẽ quyết liệt hơn trong việc điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm VMS. Các trường hợp vượt thẩm quyền có thể xin ý kiến Trung ương để có hướng dẫn.