Tòa án địa phương

Yên Bái: Lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật tư pháp người chưa thành niên và Luật Công chứng (sửa đổi)

Chu Lương 16/05/2024 11:10

Ngày 15/5, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật tư pháp người chưa thành niên và Luật Công chứng (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

_cs_groups_all_content_documents_tinbai_yw5k_mzmy_-edisp_-export_tand332475-1_344008.jpg
Đồng chí Lê Thái Hưng – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đồng chí Lê Thái Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Hưng Tĩnh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có các đồng chí thành viên Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh: Ban pháp chế, HĐND tỉnh; Ban văn hóa xã hội, HĐND tỉnh; Công an tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh; Hội luật gia tỉnh; Tỉnh đoàn Yên Bái; Hội Phụ nữ tỉnh; trưởng các tòa, phòng trực thuộc Tòa án nhân dân tỉnh; Chánh án Tòa án nhân dân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc có liên quan; trưởng các văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái.

Dự án Luật tư pháp người chưa thành niên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật gồm 5 phần, 11 chương và 173 điều với 8 nội dung cơ bản quy định các nguyên tác cơ bản của hoạt động tư pháp người chưa thành niên; dự án luật cũng đưa ra 12 biện pháp xử lý chuyển hướng trong đó có 11 biện pháp xử lý chuyển hướng ở ngoài cộng đồng, 01 biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm các quy định về xử lý chuyển hướng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, thi hành án tái hóa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

_cs_groups_all_content_documents_tinbai_yw5k_mzmy_-edisp_-export_tand332475-1_344008-01.jpg
Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết xây dựng dự án luật, việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Tại hội nghị các đại biểu đã tham gia ý kiến cả về nội dung lẫn hình thức cho dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó tập trung vào một số vấn đề như cần xác định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật phù hợp với tên gọi; về quy trình xử lý chuyển hướng; mở rộng các trường hợp áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong thủ tục xử lý chuyển hướng; thành lập quỹ hỗ trợ hoạt động tư pháp với người chưa thành niên; mức phạt và tổng hợp hình phạt; về rút ngắn thời hạn tố tụng; việc tách vụ án hình sự.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thái Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu; Tòa án nhân dân tỉnh tiếp thu các ý kiến đóng góp, các nội dung tham gia vào dự án Luật tư pháp người chưa thành niên, các ý kiến sẽ được xem xét, tổng hợp để Tòa án nhân dân tỉnh báo cáo Tòa án nhân dân tối cao theo quy định.

Tại hội nghị, các đại biểu của Tòa án cũng tham gia, đóng góp các ý kiến đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Chu Lương