Ô nhiễm ở hệ thống Bắc Hưng Hải vẫn ở mức cao, đặc biệt vào mùa khô
Nhiều năm qua, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Ngày 14/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngay sau khi có Thông báo số 315/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được phân công.
Đến nay, các hoạt động về quản lý đã được thực thi, chất lượng nước đã được cải thiện, một số thông số ô nhiễm đã giảm, tuy nhiên, mức độ ô nhiễm vẫn ở mức cao, đặc biệt vào mùa khô.
Nguyên nhân là do lượng nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, cụm công nghiệp không được thu gom, xử lý vẫn xả thẳng ra sông. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân bốn tỉnh, thành phố trong khu vực gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.
Trung tướng Trần Minh Lệ - Cục trưởng Cục C05, cho biết, Bộ Công an đang nghiên cứu đề nghị xử lý hình sự các đơn vị cố tình vi phạm xả thải gây ô nhiễm để giải quyết dứt điểm tình trạng cố tình vi phạm, tái phạm.
Đối với Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải, phải chủ động quan trắc, giám sát phát hiện các điểm ô nhiễm để đề xuất giải pháp xử lý.
Theo ông Lệ, hiện nay Bộ Công an đã và đang làm quyết liệt việc kiểm soát hành vi xả thải gây ô nhiễm ra hệ thống Bắc Hưng Hải, tuy nhiên đó chỉ là “phần ngọn” còn “phần gốc” vẫn phải là sự quyết tâm của địa phương trong việc xây dựng các nhà máy thu gom, xử lý nước thải; và cũng đến lúc phải công khai các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm…
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đề nghị, nếu cần thiết sẽ thành lập Ban quản lý lưu vực sông và trao quyền, gắn trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND tỉnh rõ ràng, để từ đó có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp, gắn kết tốt giữa các địa phương nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như có cơ hội cứu những dòng sông “chết”.
Về cơ chế chính sách, hiện nay, Bộ TN&MT đang sửa Nghị định 08 trên tinh thần sẽ có gần 70% thủ tục hành chính về cấp phép, đánh giá tác động môi trường... được phân cấp cho địa phương.
Bộ TN&MT sẽ ban hành kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý theo Luật Bảo vệ môi trường 2020; phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường để khoanh vùng và có phương án giám sát đặc biệt đối với những nguồn phát thải cao, có nguy cơ gây ô nhiễm trên toàn hệ thống công trình thủy lợi này.