Quy chế hoạt động của Tổ công tác giúp việc triển khai dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP.HCM
Ngày 14/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP.HCM (Tổ công tác) ký Quyết định số 65/QĐ-TCTĐSĐT ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác.
Theo Quyết định, Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc quy định tại Điều 2, Điều 4, Điều 5 và Điều 7 của Quyết định số 62/QĐ-BCĐCTTĐQG ngày 04/5/2024 của Trưởng ban Chỉ đạo về việc thành lập Tổ công tác.
Hoạt động của Tổ công tác được thực hiện thông qua công tác kiểm tra thực tế tại các dự án, tổ chức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Tổ công tác. Ý kiến tham gia của các thành viên Tổ công tác giúp việc là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Tổ công tác làm việc.
Tổ công tác gồm Tổ trưởng, các Tổ phó và các thành viên theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 62/QĐ-BCĐCTTĐQG.
Tổ trưởng Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tổ trưởng Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác. Điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; Quyết định việc bổ sung, thay đổi thành viên Tổ công tác. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Tổ công tác, chỉ đạo chuẩn bị nội dung, các vấn đề đưa ra thảo luận ở Tổ công tác. Điều động, trưng tập chuyên gia.
Tổ phó Tổ công tác thực hiện và chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được Tổ trưởng Tổ công tác phân công. Giúp Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Tổ công tác.
Chủ động giải quyết các vấn đề được phân công; báo cáo Tổ trưởng quyết định hoặc xin ý kiến chỉ đạo đối với những vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền. Ký thay Tổ trưởng Tổ công tác các văn bản, kết luận khi được Tổ trưởng phân công hoặc ủy quyền. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, ủy quyền của Tổ trưởng.
Về tổ chức thực hiện, Quyết định nêu rõ, Tổ công tác tổ chức họp để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Tùy theo tính chất, nội dung cuộc họp, Tổ trưởng Tổ công tác quyết định mời các thành viên Tổ công tác có liên quan và đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, cá nhân khác tham dự cuộc họp của Tổ công tác.
Trường hợp không tổ chức họp, thành viên Tổ công tác có ý kiến bằng văn bản về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Thành viên Tổ công tác có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ công tác và chuẩn bị nội dung báo cáo phần việc được phân công.
Trường hợp vắng mặt, thành viên Tổ công tác có trách nhiệm báo cáo Tổ trưởng và cử người có trách nhiệm dự họp thay.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng tính kịp thời trong điều hành của Tổ công tác. Các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, vật chất phục vụ các cuộc họp trực tuyến khi cần thiết.