Trong nước

Thủ tướng nêu bật 5 "từ khóa" thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên

Khánh Ngọc 12/05/2024 - 16:36

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành, thực hiện hiệu quả tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh; 2 tăng cường; 3 kết nối; 4 tập trung; 5 khuyến khích” để phát triển phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

Sáng 12/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự ngày hội.

Cùng dự sự kiện có: Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư thứ Nhất, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; TP. Cần Thơ và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các hiệp hội, doanh nghiệp và đông đảo sinh viên các cơ sở giáo dục, đào tạo trên toàn quốc.

5.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ

100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp

Ngày hội nằm trong khuôn khổ các hoạt động sau 6 năm triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Ngày hội nhằm thúc đẩy sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp, phổ thông trong tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HSSV); khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng lập thân, lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm, tạo môi trường học đi đôi với hành trong các cơ sở giáo dục.

2(1).jpg
Thủ tướng dự ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI

Báo cáo kết quả thực hiện đề án 1665, bà Nguyễn Thị Kim Chi - thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho biết Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi và trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

100% các trường đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. 90% học sinh THPT, sinh viên đại học, cao đẳng được tuyên truyền, giáo dục, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV theo quy định tại Thông tư số 07/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Số lượng các cơ sở giáo dục đại học đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% cuối năm 2020 lên 48% cơ sở đào tạo vào cuối năm 2023, với tối thiểu 01 tín chỉ/môn học. Có 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. Đến nay, mạng lưới 200 cán bộ tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo trong cả nước đã được hình thành.

1(1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi động ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI

Có 60% các trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo. Có 110 cơ sở đào tạo đã bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho HSSV tăng 20 cơ sở đào tạo so với năm 2023. Có khoảng 50 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tăng 5 cơ sở đào tạo so với năm 2023, trong đó có hơn 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Đến năm 2023, 9 cơ sở đào tạo đã thành lập được các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, trong đó đa phần là để hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, sản xuất thử nghiệm; có nhiều doanh nghiệp đồng hành triển khai các nhiệm vụ giải pháp của Đề án 1665 giai đoạn từ năm 2022-2025.

3(2).jpg
Các đại biểu tham dự chương trình

Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 được phát động từ tháng 8/2023. Sau 4 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 707 bài dự thi, tăng 199 bài so với cuộc thi lần thứ V. Sau vòng sơ loại đã có 465 dự án đạt yêu cầu được tham gia vòng bán kết. Có 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của Cuộc thi.

5 "từ khóa" để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để hoạt động khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên phát triển đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của nhân dân, doanh nghiệp với những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, thiết thực, hiệu quả trước mắt và lâu dài.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, đó là: Hệ sinh thái khởi nghiệp còn thiếu gắn kết; còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên triển khai còn chậm; hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đi vào chiều sâu. Hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ; đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp còn ít…

Do đó, Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cùng các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh; 2 tăng cường; 3 kết nối; 4 tập trung; 5 khuyến khích” trong hoạt động khởi nghiệp. Cụ thể:

1. Đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách hiện hành, đồng thời rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi thúc đẩy thanh niên, học sinh, sinh viên không ngừng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

2. Tăng cường liên kết giữa các trường đại học, trường cao đẳng với các trung tâm nghiên cứu, giúp học sinh sinh viên có thể nghiên cứu, tạo nên sản phẩm mẫu, tạo sự gắn kết giữa các nhóm ngành thông qua sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ giảng viên, điều phối viên.

Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh sinh viên, nhất là nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp.

3. Kết nối các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp với nhau, tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhau để khởi nghiệp, sáng tạo.

Kết nối địa phương với các trường đại học trong việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, phát triển các dự án khởi nghiệp trên tinh thần giải quyết các vấn đề thực tiễn và mong muốn của nhân dân, của địa phương.

Kết nối giáo dục khởi nghiệp từ phổ thông lên bậc đại học và bậc cao hơn để nội dung chương trình xuyên suốt.

4. Tập trung nâng cao tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong ngành giáo dục, trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh sinh viên; đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung chương trình, phương pháp và mang lại hiệu quả.

Tập trung đề xuất hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trong doanh nghiệp.

Tập trung đề xuất xây dựng sàn giao dịch ý tưởng dự án khởi nghiệp của học sinh sinh viên, thanh niên với các doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế nói chung, có cơ chế đảm bảo các ý tưởng, dự án được bảo hộ, tránh việc mất bản quyền.

Tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng.

5. Khuyến khích các đơn vị sử dụng những sản phẩm hình thành từ các dự án khởi nghiệp, nhất là của học sinh sinh viên.

Khuyến khích doanh nghiệp phối hợp hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng không gian trải nghiệm, không gian sáng tạo khởi nghiệp dùng chung cho các cơ sở giáo dục, gắn học đi đối với hành.

Khuyến khích học sinh sinh viên, giảng viên tích cực tham gia hoạt động khởi nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, sản phẩm lập nghiệp.

Khuyến khích cuối cùng là cán bộ giảng dạy, đoàn viên thanh niên tích cực chủ động đổi mới sáng tạo, có tư duy mới, cách nghĩ mới, cách làm mới để tạo ra các giá trị mới, tham gia các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cộng đồng và giúp đỡ lẫn nhau.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI gồm các hoạt động: Tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; khai mạc, bế mạc ngày hội; Diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng; Diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; Chung kết Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VI (SV-STARTUP-lần thứ VI); hoạt động giao lưu, trình diễn công nghệ cao giữa các đoàn tham dự ngày hội.

Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) và Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” mang lại cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng những kiến thức thực tế và thực sự đã trở thành hoạt động thường niên hàng năm thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên trong toàn quốc, các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp.

Khánh Ngọc