Hơn 7.000 giáo viên nghỉ việc trong 10 tháng do thu nhập thấp, áp lực
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong thời gian từ tháng 8/2023 đến tháng 4/2024 đã có 7.215 giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển việc. Nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên rời ngành là áp lực công việc và thu nhập thấp.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng này đã giảm khoảng 2.000 người so với cùng kỳ năm trước, tương đương với mức giảm 22,4% (năm học 2022-2023 có 9.295 giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển việc).
Số lượng giáo viên nghỉ việc hiện tại, có tỷ lệ cao nhất là ở bậc mầm non, với 1.600 giáo viên mầm non rời ngành và giảm dần theo các cấp học từ thấp đến cao.
Bộ GD-ĐT cho hay, tỷ lệ giáo viên nghỉ việc ở độ tuổi dưới 35 vẫn đang cao. Giáo viên chủ yếu rời ngành tập trung ở các vùng kinh tế - xã hội phát triển, nơi mà giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn.
Trước đó, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong ba năm học tính từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, có hơn 40.000 giáo viên nghỉ việc hoặc chuyển việc. Trong số đó, có tới 60% giáo viên nghỉ việc ở độ tuổi dưới 35.
Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn diễn ra nghiêm trọng trên cả nước, ở mọi cấp học, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên các môn học.
Bộ GD-ĐT lý giải rằng nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên rời ngành là áp lực công việc lớn và thu nhập thấp, đặc biệt đối với giáo viên trẻ.
Điều kiện làm việc, chế độ và chính sách đãi ngộ nhà giáo cũng chưa đáp ứng tương xứng. Mức lương của giáo viên vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của các ngành nghề (trong 5 năm đầu, lương nhà giáo trung bình chỉ đạt 5 triệu đồng/tháng), không đáp ứng được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29.
Mức lương và chế độ hiện tại chưa đủ để tạo động lực trong bối cảnh áp lực công việc ngày càng gia tăng đối với nhà giáo.