Tòa án với công dân

Cần có cơ chế bảo vệ Thẩm phán

Mạnh Hùng- Mai Thoa 08/05/2024 - 14:28

Từ vụ việc sáng 3/5, Thẩm phán Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) bị một đối tượng xông vào phòng làm việc đâm trọng thương. Vấn đề bảo vệ Thẩm phán một lần nữa được đặt ra.

a57be026-eb53-4303-9045-c9f3e807bcad(1).jpeg
Phòng làm việc của Thẩm phán Nguyễn Văn Quý (Hiện trường vụ án)

Sáng 3/5, Thẩm phán Nguyễn Văn Quý, Phó Chánh án TAND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã bị một đối tượng xông vào phòng làm việc đâm trọng thương phải đưa đi cấp cứu.

Theo thông tin, vào khoảng 14 giờ 45 phút ngày 2/5/2024, Phó Chánh án Nguyễn Văn Quý đang nghiên cứu hồ sơ tại phòng làm việc thì bất ngờ có đối tượng Trần Văn Tuân (SN 1973) xông vào phòng, dùng kéo sắc nhọn đâm nhiều nhát vào vùng cổ, lưng, đầu, bụng của ông Quý.

Trần Văn Tuân đã bị cán bộ Tòa án cùng Công an huyện bắt giữ ngay sau đó. Phó Chánh án Nguyễn Văn Quý đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị.

Trao đổi với PV, Thẩm phán Nguyễn Văn Quý cho biết, hiện sức khỏe của ông đã tạm ổn. Nhờ sự cấp cứu kịp thời của các y bác sĩ bệnh viện nên các vết thương đã được xử lý. Chỉ còn vết thương ở vết đâm sau lưng sâu đến cuống phổi còn có hiện tượng tràn dịch nên các bác sĩ đang theo dõi tình hình.

Dưới góc nhìn của Thẩm phán, ông Quý cho biết Trần Văn Tuân là bị cáo trong vụ án hình sự về “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ” mà ông Quý là Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa xét xử sơ thẩm. Sau phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Tuân 3 năm tù và không cho hưởng án treo. “Có thể vì lý do này nên Tuân mới có hành vi tấn công tôi tại phòng làm việc”, ông Quý nói.

Là người trực tiếp xét xử bị cáo Trần Văn Tuân, theo ông Quý, bị cáo Tuân bị VKSND huyện Cam Lộ truy tố theo điểm c khoản 2 Điều 260 BLHS với tình tiết định khung tăng nặng là “Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm”. Khung hình phạt mà Viện kiểm sát truy tố là bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Mặc dù tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận việc bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm, tuy nhiên dựa theo lời khai của những người làm chứng và các chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án thì bị cáo sau khi gây tai nạn đã không dừng lại mà đến khi người dân truy đuổi, bắt bị cáo dừng xe thì bị cáo mới dừng lại để giải quyết hậu quả vụ tai nạn.

Theo chia sẻ của Thẩm phán Nguyễn Văn Quý, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án cho bị cáo từ 3 đến 3 năm 6 tháng tù. Hội đồng xét xử dựa trên các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo để tuyên phạt bị cáo mức án 3 năm tù là đúng quy định và phù hợp.

“Qua sự việc trên, tôi chân thành cảm ơn sự dũng cảm, can đảm của các đồng nghiệp trong cơ quan đã nhanh chóng khống chế, ngăn chặn hành vi tấn công liên tục của đối tượng Trần Văn Tuân; đồng thời đã sơ cứu vết thương, kịp thời đưa tôi đi cấp cứu”, ông Quý nói.

22d9c302-b1df-4269-9cc6-33c12262228c.jpeg
Luật sư Trần Nam Long, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Sau sự việc này, ông Quý mong muốn có sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền về việc bảo đảm an toàn cho các cán bộ Tòa án. Có thêm nhiều giải pháp như tăng cường lực lượng bảo vệ, lực lượng tại chỗ có công cụ hỗ trợ trong các tình huống bị tấn công bất ngờ, có phòng làm việc, tiếp đón công dân riêng để đảm bảo an toàn.

Cần có cơ chế bảo vệ Thẩm phán

Phân tích sự việc nêu trên, luật sư Trần Nam Long (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng tội phạm chống lại người thi hành công vụ xảy ra ngày càng nhiều, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí không hiếm những vụ việc đe dọa cả tính mạng người thực thi công vụ như vụ việc xảy ra tại TAND huyện Cam Lộ.

Theo luật sư Long, những hành vi này thể hiện sự coi thường pháp luật của tội phạm, cũng đặt ra sự cấp thiết của việc có cơ chế bảo vệ những người có thẩm quyền trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ công vụ, bảo vệ sự tôn nghiêm của các cơ quan thực thi pháp luật.

Qua những thông tin được mô tả trên các phương tiện truyền thông đại chúng, luật sư Long cho biết nếu đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm (kéo) tấn công vào các vùng có nguy cơ gây tử vong (cổ, lưng, đầu) của Thẩm phán đã từng xét xử vụ án và nguyên nhân của hành vi phạm tội xuất phát từ việc không thỏa mãn với việc xét xử của nạn nhân thì có dấu hiệu của tội “Giết người”, quy định tại các Khoản 1 Điều 123 BLHS với khung hình phạt cao nhất lên tới tử hình.

Cụ thể, đối tượng đã có dấu hiệu của hành vi “giết người vì lý do công vụ của nạn nhân” tại điểm d, khoản 1 Điều 123 BLHS.

Được biết, Thẩm phán là người trực tiếp giải quyết các vụ việc tranh chấp hoặc đưa ra phán quyết về trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Theo luật sư Long, không phải trong trường hợp nào, phán quyết của Thẩm phán cũng thỏa mãn tất cả các bên. Điều đó dẫn tới rủi ro, nguy hiểm trong quá trình thực hiện công vụ của Thẩm phán.

Luật sư Long nhấn mạnh: “Có lẽ đã đến lúc phải chấm dứt việc bất cứ ai cũng có thể tự do ra vào nơi làm việc của cán bộ trong các cơ quan công quyền. Cũng đặt ra vấn đề phải có nơi tiếp đón, làm việc với công dân một cách an toàn, để vừa đảm bảo sự thông suốt về mặt thông tin giữa công dân và cơ quan công quyền; nhưng cũng phòng tránh các hiện tượng tiêu cực khi công dân làm việc riêng với người thi hành công vụ mà thiếu đi sự giám sát”.

Để Thẩm phán có thể yên tâm giải quyết vụ án và giảm bớt rủi ro, theo luật sư Long, việc cần làm ngay là phải có khu vực tiếp đương sự của Thẩm phán, có lực lượng công an bảo vệ và có hệ thống camera giám sát. Thẩm phán chỉ tiếp đương sự ở khu vực này để vừa tránh rủi ro, vừa tránh được mọi hiện tượng tiêu cực.

Mặt khác, cần tăng cường sự tham gia của đội ngũ luật sư và các cơ chế trợ giúp pháp lý để giúp đương sự hiểu rõ quy định của pháp luật, hướng dẫn đương sự giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp pháp lý, thay vì sử dụng các biện pháp mang tính cực đoan như trường hợp đã xảy ra tại TAND huyện Cam Lộ như vừa nêu ở trên.

Mạnh Hùng- Mai Thoa