Vang mãi những vần thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” là một bài thơ để đời của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Gồm 96 câu thơ với tiết tấu nhanh, mạnh, khỏe, câu chữ dân dã, dễ hiểu, cả bài thơ như một tiếng reo vui, hân hoan của tác giả trong niềm vui chiến thắng.
Không khí chiến đấu và niềm vui chiến thắng như tràn vào bài thơ. Tác phẩm mang đậm cảm hứng sử thi và chất thời sự từ đề tài, cảm hứng, đến hình ảnh, ý tưởng.
Bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" được viết bằng thể thơ tự do có vần, xen lẫn những đoạn lục bát và vài ba câu song thất, như những lời hát hân hoan xen vào một ký sự thơ. Xét về nội dung, có thể chia bài thơ thành 3 phần lớn: phần thứ nhất gồm 4 đoạn thơ đầu, ghi lại niềm vui khi nhận được tin chiến thắng; phần thứ hai gồm 4 đoạn thơ giữa, nhấn mạnh hai hình ảnh đối lập: ý chí quyết tâm chiến đấu, sự dũng cảm hy sinh của quân dân ta để giành thắng lợi và sự thất thế, bại trận của quân địch; phần thứ ba gồm 2 đoạn thơ cuối, nói đến tác động của chiến thắng.
Niềm vui chiến thắng
Niềm vui chiến thắng đã được tác giả miêu tả cụ thể chi tiết trong 4 khổ thơ đầu cảu bài thơ. Mở đầu là cảnh truyền tin thắng trận:
“Tin về nửa đêm
Hoả tốc, hoả tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa”.
Dù nhà thơ chưa nói rõ tin được truyền đến là tin gì, con người cũng chưa xuất hiện, nhưng niềm vui thì đã tràn ngập, một niềm vui náo nức: ngựa bay, đuốc sáng, chuông reo, loa kêu, lửa đỏ. Làm độc giả như được trực tiếp sống trong không khí rất thật nhưng cũng rất kỳ ảo này.
Ngay câu mở đầu của đoạn 2, tác giả đã "bật mí" cái tin vui to lớn kia là tin gì. Nhưng thay vì nói "Chúng ta đã giải phóng Điện Biên rồi!", thì nhà thơ lại báo tin bằng một lời reo vui, một khẩu hiệu: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Niềm vui to lớn quá làm cho nhà thơ không kìm nén nổi lòng mình, bật reo lên những lời xưng tụng, rất gần với khẩu ngữ mà vẫn tràn đầy chất thơ, ngợi ca vị tướng tài ba, ngợi ca Bác Hồ, những người trực tiếp chỉ đạo để làm nên chiến thắng lẫy lừng:
“Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp
Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp...
Vinh quang Hồ Chí Minh - cha của chúng ta ngàn năm sống mãi!
Quyết chiến quyết thắng cờ đỏ sao vàng vĩ đại!”
Và rực rỡ trong giờ phút ấy là lá cờ chiến thắng tung bay trên chiến trường Điện Biên Phủ: “Quyết chiến, quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại”.
Mười năm sau, hồi tưởng lại chiến dịch, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có ấn tượng sâu sắc về lá cờ đó: “Cho đến ngày hôm nay mỗi lần nhớ lại chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh đọng lại trong ký ức của tôi là một lá cờ sao tươi thắm tung bay giữa núi rừng trùng điệp của chiến trường lịch sử trên bầu trời cao lồng lộng, lá cờ đỏ mang những chữ vàng rực rỡ “Quyết chiến, quyết thắng” đã được nhân dân ta kéo cao trên bãi chiến trường”.
Ở đoạn 3 và 4, nhà thơ tiếp tục nói đến niềm vui chiến thắng, những suy nghĩ, liên tưởng của mình từ chiến thắng đó. Nếu ở đoạn 1 và 2 là một lời reo vui, là những tiếng hoan hô, thì ở đoạn 3 và 4 đã có một nội dung cụ thể hơn của niềm vui đó, khi nhà thơ so sánh, lý giải:
“Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như Huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!”
Để thấm thía hết giá trị của những niềm vui đó, tác giả không viết cuộc kháng chiến 9 năm, mà dùng cụm từ “ba ngàn ngày” để nhấn mạnh niềm vui chiến thắng to lớn biết nhường nào. Đặc biệt, câu thơ: “Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!” như một chân lý được khẳng định một cách dứt khoát và rất đỗi tự hào.
Những con người làm nên lịch sử
4 khổ thơ giữa là phần quan trọng nhất cũng là phần có sức nặng nhất, hay nhất của bài thơ. Tác giả dành hẳn 27 câu thơ để mô tả một cách trực diện cuộc chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của quân dân ta để giành thắng lợi cuối cùng. Mở đầu đoạn thơ quan trọng này, nhà thơ láy lại câu "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" như một tôn vinh, như một tượng đài bất tử:
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Đó là bức chân dung kiên cường, bất khuất của tập thể những người chiến sĩ Điện Biên trong một cái nhìn toàn cảnh. Và còn có những câu đặc tả các anh hùng cụ thể, có tên tuổi như Bế Văn Đàn, Phan
Đình Giót, Tô Vĩnh Diện...:
“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt còn ôm...”
Bên cạnh hình tượng những chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ cũng dành cho những người dân công nổi tiếng trong chiến dịch những vần thơ ca ngợi:
“Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...”
Kết lại khổ thơ bằng hai câu lục bát: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”, tác giả đã mở ra trước mắt ta hình ảnh đất nước ngày mai tươi đẹp, thanh bình nhờ những hy sinh, cống hiến của biết bao người con anh hùng của dân tộc.
Đối ngược với hình ảnh anh dũng, bất khuất, vượt mọi khó khăn, thậm chí phải hy sinh để giành thắng lợi của quân dân ta là tình thế khốn cùng của quân địch:
“Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời?”
…
“Chúng bay chỉ một đường ra
Một là tử địa, hai là tù binh
Hạ súng xuống rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm!
Nghe trưa nay tháng năm, mùng bảy
Trên đầu bay thác lửa hờn căm
Trông: Bốn mặt lũy hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng”
Có sống những ngày kháng chiến gian khổ của chiến dịch Điên Biên ngày ấy mới thấm thía hết niềm hạnh phúc và tự hào của người chiến thắng. Nhà thơ không nén nổi sự sung sướng khi buông hai câu lục bát tiếp theo với nhịp thơ rắn rỏi, dứt khoát như một lời khẳng định đanh thép:
“Của ta trời đất đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này của ta”
Hai từ “của ta” được lặp lại theo cấu trúc đầu-cuối như một cách biểu lộ một niềm tự hào mãnh liệt và ngân vang.
Vang mãi khúc khải hoàn
Trong phần ba, cũng là phần cuối bài thơ, tác giả nói đến ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà thơ nghĩ đến Bác Hồ, Tổ quốc. Ở đây, nhà thơ thể hiện tấm lòng của Bác đối với các chiến sĩ Điện Biên, của tất cả chúng ta đối với Bác. Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng vào dịp sinh nhật Bác. Bài thơ đang tưng bừng sôi nổi khí thế chiến thắng, đến khổ thơ nói về Bác, bỗng dịu đi, trầm lắng, xa vọng với thể thơ lục bát:
“Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông”.
Nhà thơ còn nhớ tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng và phái đoàn ngoại giao Việt Nam ở Hội nghị Geneva. Tin chiến thắng Điện Biên sẽ làm cho chúng ta có được một tư thế mới trước kẻ thù:
“Đồng chí Phạm Văn Đồng
Ở bên đó, chắc đêm nay không ngủ
Tin đây Anh, Điện Biên Phủ hoàn thành
Ngày mai vào cuộc đấu tranh
Nhìn xuống bọn Bi đôn, Smít
Anh sẽ nói: Thực dân, phát xít
Đã tàn rồi!”
Ở đoạn cuối cùng, nhà thơ tuyên bố với thế giới rằng, chúng tôi, những người Việt Nam đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Và bài học Điện Biên này sẽ làm cho các dân tộc thuộc địa biết vùng lên giành quyền tự do, độc lập cho dân tộc họ.
“Tổ quốc chúng tôi
Muốn độc lập, hòa bình trở lại
Không muốn lửa bom đổ xuống đầu con cái
Nước chúng tôi và nước các anh
Nếu còn say máu chiến tranh
Ở Việt Nam, các anh nên nhớ
Tre đã thành chông, sông là sông lửa
Và trận thắng Điện Biên
Cũng mới là bài học đầu tiên!”
70 năm đã trôi qua, nhưng dấu son lịch sử Chiến thắng Điện biên Phủ vẫn sống mãi trong lòng mỗi người con đất Việt. Và đọc lại bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, chúng ta như nghe lại khúc khải hoàn cách mạng đầy rộn ràng âm sắc trong niềm vui bất tận của toàn quân, toàn dân trước chiến thắng Điện Biên oanh liệt!