Kinh tế

Đã có 57 địa phương thành lập Quỹ phát triển đất

Thành Nam 05/05/2024 - 12:54

Đến năm 2023 đã có 57 địa phương thành lập Quỹ phát triển đất, trong đó có 27 Quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

nha-o-xa-hoi-tphcm.jpg
Đến năm 2023 đã có 57 địa phương thành lập Quỹ phát triển đất (Ảnh minh họa).

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất. Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về Quỹ phát triển đất theo quy định của pháp luật đất đai năm 2024, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển đất hiện nay.

Quỹ phát triển đất trước đây được thành lập theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 (Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ, Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ), pháp luật đất đai năm 2013 (Điều 111 Luật Đất đai năm 2013, Điều 6 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ).

Qua tổng hợp báo cáo của 63/63 địa phương gửi Bộ Tài chính, thời điểm năm 2023 cho thấy, có 57 địa phương đã thành lập Quỹ phát triển đất; trong đó có 27 Quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Việc thành lập và hoạt động của Quỹ phát triển đất là cần thiết, góp phần giúp chính quyền địa phương trong việc tập trung nguồn lực tài chính để kịp thời ứng vốn, thúc đẩy công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả của dự án.

Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ phát triển đất thời gian qua cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như chưa quy định rõ nguồn vốn để đảm bảo hoạt động; thực hiện cấp vốn điều lệ hay đưa vào dự toán ngân sách để chi bổ sung vốn hoạt động hàng năm; mô hình tổ chức…

Đặc biệt là quy định hoàn trả vốn ứng cho quỹ theo Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ không còn phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất...

Để khắc phục những hạn chế này, cũng như để triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2024 sắp có hiệu lực, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi vào dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất.

Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ về nội dung này, Bộ Tài chính nêu rõ 3 quan điểm khi xây dựng Nghị định:

Một là, quán triệt đầy đủ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng, huy động các nguồn lực của nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

Hai là, cụ thể hóa quy định của Luật Đất đai năm 2024 quy định về Quỹ phát triển đất, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan (Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Nhà ở năm 2023…) và tình hình thực tế của các địa phương.

Ba là, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý hoạt động của Quỹ phát triển đất, góp phần huy động nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội.

Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 06 chương với 26 điều và Phụ lục các mẫu biểu kèm theo. Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới và đưa ra nhiều phương án lựa chọn.

Thành Nam