Cải cách chính sách tiền lương - Chủ trương lớn phát triển nguồn nhân lực
Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách tiền lương đã chỉ rõ: “Chính sách tiền lương khu vực công, ..., chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động”, đồng thời khẳng định, “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực...”.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Quốc hội, các cơ quan thuộc khối Quốc hội nói chung đã và đang rất tích cực xây dựng Đề án vị trí việc làm để làm căn cứ cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động.
Mới đây tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các đại biểu cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH.
Theo đó, các đại biểu đã cho ý kiến vào một số nội dung về danh mục vị trí việc làm của một số đơn vị, trong đó có TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp; Vị trí việc làm trong cơ quan HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; Về nội dung xin ý kiến xem xét bổ sung danh mục vị trí việc làm đối với Ban Thư ký và thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm.
Các đại biểu đánh giá cao sự cố gắng, trách nhiệm của các cơ quan trên trong việc bước đầu xây dựng và triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, chuẩn bị hồ sơ báo cáo về vị trí việc làm trình UBTVQH. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các văn bản về tiền lương, hướng tới việc cải cách tiền lương từ tháng 7/2024 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất về nguyên tắc một số nội dung trong Tờ trình của Ban Công tác đại biểu về vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH.
UBTVQH cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực của cơ quan mình; Ban Công tác đại biểu tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê duyệt vị trí việc làm các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH, sớm trình UBTVQH cho ý kiến quyết định.
Ngành Tòa án là lao động đặc biệt, đặc thù
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Quốc hội, các cơ quan thuộc khối Quốc hội nói chung đã và đang rất tích cực xây dựng Đề án vị trí việc làm để làm căn cứ thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động.
TANDTC, là một trong những đơn vị đã sớm xây dựng Đề án vị trí việc làm và mới đây đã hoàn thiện hệ thống danh mục vị trí việc làm trình UBTVQH cho ý kiến. Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội cũng đang trong quá trình xem xét cho ý kiến về Luật tổ chức TAND (sửa đổi), vì vậy, việc xây dựng danh mục vị trí việc làm được TANDTC thực hiện khẩn trương.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, TANDTC xác định vị trí việc làm là cơ sở để xây dựng chế độ chính sách tiền lương, xây dựng vị trí công việc, biên chế. Đây là vấn đề khó, nên phải nghiên cứu làm sao xây dựng vị trí việc làm chuẩn mực, phù hợp với công việc thực tế các cơ quan, đơn vị, đảm bảo phục vụ cho các nhiệm vụ chuyên môn. Lãnh đạo TANDTC cũng xác định, đổi mới chính sách, chế độ tiền lương và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ trong ngành yên tâm công tác, liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Hy vọng chế độ chính sách tiền lương mới sẽ khuyến khích viên chức, người lao động làm việc.
Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng danh mục vị trí việc làm, nhiều tháng qua đã dồn hết tâm lực để gấp rút hoàn thiện Đề án.
Ông Nguyễn Tường Linh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ TANDTC cho biết, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống Tòa án rất ủng hộ chủ trương này. TANDTC khi xây dựng Đề án vị trí việc làm phải căn cứ vào luật hiện hành, tức là căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí đã được cụ thể hóa bằng văn bản pháp lý có hiệu lực đó là Luật Tổ chức Tòa án (hiện đang dự thảo sửa đổi).
Xác định lao động của ngành Toà án là lao động đặc biệt, lao động trong áp dụng pháp luật, đòi hỏi tư duy ở trình độ của người Thẩm phán, có kiến thức tổng hợp, có kỹ năng xét xử, điều hành phiên tòa và các kỹ năng khác như thương lượng, hoà giải…mang lại công lý cho xã hội. Cục Kế hoạch Tài chính, đơn vị xây dựng chế độ tiền lương mới đã lên các phương án tìm nguồn chi trả, xây dựng khung phụ cấp, thang bảng lương từng chức vụ, chức danh như lãnh đạo, chuyên trách, giúp việc cho lãnh đạo, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ và đối với chế độ nâng bậc lương, để đảm bảo khi nghị quyết được thông qua được áp dụng hiệu quả.
Ông Lương Văn Việt, Cục trưởng Cục kế hoạch - Tài chính TANDTC cho hay, nguồn lực thực hiện Đề án theo quy định Luật Ngân sách, hệ thống Toà án sẽ được Quốc hội và Chính phủ bố trí trong phương án dự nguồn mà Chính phủ đã có. Quá trình chuẩn bị trong những năm vừa qua, trên cơ sở hướng dẫn của Quốc hội và Chính phủ, TANDTC lập dự toán báo cáo Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội để phân bổ nguồn kinh phí đảm bảo cải cách tiền lương theo vị trí việc làm trong thời gian tới. Trong phương án xây dựng dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Ban cán sự đảng và Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã tính thang bảng lương, ngạch lương theo vị trí việc làm trong hệ thống, các chức danh trong hệ thống Tòa án đã được thể hiện trong dự thảo này.
Khuyến khích người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế
Trước đó, Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Dự kiến tổng nguồn ngân sách Trung ương dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132 nghìn tỷ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430 nghìn tỷ đồng. Như vậy, ngân sách đã bố trí 562 nghìn tỷ đồng đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương.
Các đại biểu cho rằng, việc trả lương theo vị trí việc làm là cần thiết, có thể hạn chế tình trạng một việc giao cho quá nhiều người và một người làm nhiều việc nhưng chưa được trả lương tương xứng. Đây cũng là để các cơ quan đơn vị chủ động đối với đơn vị mình trong việc dự trù kinh phí trả lương.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội cho rằng: Việc thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương chính là đạt được mục tiêu làm cho tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ để nâng cao chất lượng về chuyên môn nghiệp vụ và cả về đạo đức công vụ, kỹ năng chuyên nghiệp. Hi vọng trong thời gian tới, với việc thực hiện rất quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo về quản lý biên chế cũng như của Quốc hội, Chính phủ, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; sự đồng thuận nhất trí cao để chúng ta thực hiện chủ trương này với tinh thần việc khó thì chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học- Công nghệ và môi trường của Quốc hội cũng nhận định: Khi công chức hoạt động hiệu quả hơn, mọi cái về lĩnh vực công, chính sách công sẽ tốt lên, sẽ kích thích phát triển kinh tế. Nhà nước điều hành kinh tế vĩ mô thông qua chính sách công. Cán bộ công chức hoạt động tốt thì các chính sách công sẽ được triển khai tốt, hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng cho rằng: Từ việc trả lương gắn với vị trí việc làm phù hợp để sao cho người làm được việc thu nhập cao, người không làm được việc bắt buộc phải có thu nhập thấp hơn. Như vậy tạo ra sự công bằng trong sử dụng tiền lương, thu nhập. Đề án vị trí việc làm và cải cách tiền lương được thực hiện trong thời điểm này là phù hợp.
Chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng nhận định, việc xây dựng Đề án vị trí việc làm và cải cách chính sách tiền lương là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mỗi vị trí công việc đều có những đặc thù riêng cần phải có những chính sách phù hợp để người lao động được hưởng chế độ xứng đáng với trọng trách và công việc họ phải đảm đương.
Ví dụ như lĩnh vực Tòa án, quyết định của Thẩm phán có tác động trực tiếp và liên quan đến sinh mệnh của con người, và Thẩm phán phải trực tiếp làm việc trong môi trường với nhiều người có trạng thái cảm xúc khác nhau (đa phần là tiêu cực vì đang bị kiện, hoặc đang bị truy tố… ) họ rất dễ có những bức xúc mạnh động gây áp lực cho Thẩm phán, Thư ký; nhiều vụ án hàng trăm bị cáo, xét xử kéo dài với khối lượng hồ sơ rất lớn, khiến họ quá tải và vô cùng áp lực. Thậm chí có những vụ việc, Thẩm phán đã bị đe doạ, bị tấn công, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của bản thân…