Trong nước

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động

Ý Thơ 01/05/2024 - 08:20

Trong không khí cả nước hướng đến Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Quốc tế Lao động (01/5), Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về các hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn với vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động, vốn được xem như là “tài sản quý giá nhất” của doanh nghiệp.

Trong triết học Mác - Lênin, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, bởi con người là điểm xuất phát và giải phóng con người là mục đích cao nhất của triết học Mác - Lênin hướng đến. Trong đó, triết học Mác - Lênin khẳng định con người là chủ thể của lao động sản xuất vật chất, chủ thể của những sáng tạo toàn bộ đời sống lịch sử, xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thực hiện được với “sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”.

Trên cơ sở đó trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, Đảng ta chủ trương: Phát huy sức sáng tạo trong lao động của mọi người dân Việt Nam. Mọi người dân, mọi thành phần kinh tế được Đảng và Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để đóng góp vai trò, công sức của mình vào công cuộc xây dựng đất nước “phồn vinh, hạnh phúc”.

z5375030656031_29b3b4e68e9237cfb9f2d9876881a441.jpg
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ), trong thời gian qua Công đoàn Việt Nam (CĐVN) đã có những giải pháp trọng tâm và cụ thể nào để thực hiện vai trò này, góp phần chăm lo cho đời sống của công nhân, NLĐ trên cả nước?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Một trong những chức năng cơ bản, trọng tâm của tổ chức CĐVN đó là đại diện cho NLĐ, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Trải qua gần 95 năm xây dựng và trưởng thành, CĐVN đã làm tốt chức năng này và trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Để thực hiện tốt chức năng này, những qua CĐVN đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn

Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đề xuất, tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, tác động sâu sắc đến công nhân, lao động và hoạt động công đoàn như: Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐVN trong tình hình mới; tham gia xây dựng Chỉ thị số 37 - CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới; Bộ luật Lao động 2019; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022, Luật Nhà ở (sửa đổi); Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động và hàng trăm văn bản pháp luật khác liên quan đến quyền lợi của NLĐ.

Tổng Liên đoàn tích cực tham gia quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tham gia xây dựng 15 báo cáo thực thi Công ước quốc tế của Chính phủ; hồ sơ gia nhập Công ước 98, Công ước 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Công đoàn đã thể hiện rõ, hiệu quả vai trò đại diện NLĐ. Trong giai đoạn 2018 - 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, năm 2024 dự kiến sẽ tăng thêm 6%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể tại các cấp công đoàn

Các cấp công đoàn chủ động đề xuất, tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hiệu quả các cuộc đối thoại, diễn đàn từ cấp Trung ương đến cơ sở, cụ thể như: Định kỳ tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động và cán bộ công đoàn, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động. Tháng 7/2023, lần đầu tiên Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất và phối hợp tổ chức Diễn đàn NLĐ với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn” dưới sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội. Qua các hoạt động trên, nhiều kiến nghị, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của công nhân, lao động, các cấp công đoàn được ghi nhận, giải quyết.

Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể với đại diện người sử dụng lao động thông qua ký kết Chương trình phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế với đoàn viên, NLĐ, cán bộ công đoàn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại cấp doanh nghiệp (DN): Bình quân giai đoạn 2018 - 2023 đã có 96,99% DN nhà nước và 64,93% DN ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; có 96,99% DN nhà nước và 67,96% DN ngoài khu vực nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động.

Thực hiện hiệu quả hoạt động thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của đoàn viên, NLĐ. Từ năm 2018 - 2023, đã ký mới 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể DN, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỷ lệ 72,12% tổng số DN đã thành lập công đoàn cơ sở, trong đó thỏa ước đạt loại B trở lên đạt tỉ lệ 48,2%, có nhiều nội dung có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật.

image-20231228201850-1.jpeg
Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam trao quà hỗ trợ xây nhà “Mái ấm Công đoàn” cho một gia đình công nhân ở Quảng Ninh.

Thứ ba, tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật tư vấn pháp luật công đoàn

Tính đến tháng 5/2023, cả hệ thống Công đoàn đã thành lập 76 trung tâm, văn phòng, tổ tư vấn pháp luật (TVPL), trong đó có 12 trung tâm TVPL, 45 văn phòng TVPL và 29 tổ TVPL.

Tổ chức Công đoàn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực, trình độ thực hiện nhiệm vụ TVPL, tham gia tố tụng, khởi kiện tại Tòa án. Đến nay, toàn hệ thống đã có 48 người được đào tạo nghề luật sư, 01 luật sư, 34 tư vấn viên pháp luật.

Năm năm qua, số vụ TVPL về lao động và Công đoàn tăng từ 61.101 năm 2018 lên 67.910 vụ năm 2022; số vụ hỗ trợ, đại diện bảo vệ NLĐ tại Tòa án cũng tăng từ 2.549 lên 3.508.

Tập trung đẩy mạnh công tác TVPL, đa dạng hóa nội dung, phương thức, phạm vi hoạt động TVPL, chú trọng thực hiện có hiệu quả TVPL gián tiếp, TVPL trực tuyến; kết quả thực hiện tăng nhanh theo các năm.

Công tác hỗ trợ, đại diện bảo vệ NLĐ tại Tòa, đại diện khởi kiện tranh chấp lao động tại Tòa án được các cấp công đoàn quan tâm, đầu tư nguồn lực thực hiện.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội

Công tác tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản biện xã hội đã được các cấp công đoàn chủ động triển khai ở các cấp, với nhiều đối tác, thông qua nhiều hoạt động, tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách, quy định pháp luật đối với đoàn viên, NLĐ, tổ chức công đoàn.

Công đoàn các cấp đã chủ động đề xuất, phối hợp với ngành lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), y tế, mặt trận Tổ quốc, thanh tra tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với NLĐ. Chương trình phối hợp giám sát giữa Tổng Liên đoàn với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Bộ Y tế, BHXH Việt Nam được duy trì thường xuyên, góp phần nâng cao tính đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ của tổ chức Công đoàn.

Thông qua hoạt động tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhiều hạn chế, bất cập, vi phạm trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật được phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời; nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật được các cấp công đoàn đề xuất, đồng thời trực tiếp thông tin, hướng dẫn, giải đáp về pháp luật cho cơ quan, đơn vị, DN, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, NLĐ, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Công đoàn đã thực hiện kiểm tra 890.432 cuộc, giám sát 166.263 cuộc, hơn 27.000 người được giải quyết về lương, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc; tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động, góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ

Công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường có nhiều đổi mới về hình thức nhằm nâng cao hiệu quả và tính thiết thực đối với các cấp công đoàn và đoàn viên, NLĐ, như: In các tờ rơi, poster, sổ tay, cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở, đoàn viên và NLĐ, an toàn vệ sinh viên; phối hợp với Truyền hình Thông tấn xã, Đài Truyền hình Việt Nam , Đài Tiếng nói Việt Nam và các báo, tạp chí xây dựng các tin, bài, phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm về an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng các góc tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động tại các DN, nhất là trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động... qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của NLĐ, người sử dụng lao động.

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), so với năm 2022, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị tai nạn lao động nặng. Cụ thể, tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ, số người chết giảm 7,29%; số vụ tai nạn giảm 4,2%, số người bị tai nạn lao động giảm 4,7%.

Thứ sáu, tập trung nguồn lực, triển khai nhiều mô hình mới trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn.

Các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, mô hình hoạt động thiết thực được triển khai nền nếp mang thương hiệu công đoàn như: “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, Chương trình “Phúc lợi đoàn viên”; “Chợ Tết Công đoàn”, “Bữa ăn Công đoàn”… lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Bên cạnh các giá trị, lợi ích vật chất, tổ chức công đoàn quan tâm các giải pháp chăm lo, cải thiện đời sống tinh thần, nâng cao sức khỏe cho đoàn viên, NLĐ như nghỉ dưỡng, hồi phục sức khỏe, tham quan, nghỉ mát, văn nghệ, thể thao, khám sức khỏe định kỳ, thăm, động viên, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng để NLĐ vượt mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

chotetcongdoan11.jpg
Phiếu mua hàng “Chợ Tết Công đoàn 2024”.

Thưa ông, các tổ chức công đoàn có vai trò và đã có những giải pháp gì để tạo ra sự hài hòa giữa lợi ích của DN và NLĐ?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Công đoàn đã đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến NLĐ, DN và tổ chức công đoàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cả NLĐ và người sử dụng lao động, nổi bật là Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, các chính sách hỗ trợ DN trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và phục hồi giai đoạn hậu Covid-19, khủng hoảng kinh tế… LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn tổng công ty đã chủ động đề xuất với cấp ủy, tham gia với chính quyền, chuyên môn cùng cấp xây dựng cơ chế, chính sách thuộc địa phương, ngành, đơn vị, DN để mang lại quyền lợi tốt hơn cho các bên trong quan hệ lao động.

Công đoàn đã tham gia cùng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo đó, việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại các cấp đã có sự chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả được cải thiện, từ đó giúp NLĐ hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, cùng chia sẻ khó khăn và bàn các giải pháp tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho NLĐ, DN phát triển ổn định.

Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp công đoàn đã tham gia giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết 788 cuộc tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Công đoàn cấp trên cơ sở chủ động nắm thông tin, hỗ trợ công đoàn cơ sở giải quyết tranh chấp lao động. Nhiều trường hợp cán bộ công đoàn cấp trên đóng vai trò như hòa giải viên lao động, hỗ trợ các bên đạt được giải pháp chung và hài hòa lợi ích. Các trường hợp tranh chấp phức tạp, cần có sự vào cuộc liên ngành, công đoàn cấp trên tham gia là thành viên đoàn liên ngành. Với sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn, hầu hết các yêu cầu của NLĐ đã được người sử dụng lao động giải quyết toàn bộ hoặc một phần, sau đó NLĐ trở lại làm việc bình thường.

0001_4.jpg
Ảnh minh họa

Trước bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, bên cạnh việc ban hành, thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ, Tổng Liên đoàn cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ với DN, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng, lùi thời gian đóng kinh phí công đoàn đối với DN…

Công đoàn cũng tổ chức, phát động các phong trào thi đua, phong trào sáng kiến, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, các phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; đồng hành cùng DN vận động, hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ tích cực tham gia việc nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành DN, thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy chế của doanh nghiêp, gắn bó bền chặt với DN vượt qua khó khăn, khủng hoảng như đại dịch Covid-19 vừa qua.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đưa dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ông có thể nêu rõ một vài điểm nổi bật trong Luật Công đoàn (sửa đổi)? Việc sửa đổi Luật Công đoàn sẽ có tác dụng như thế nào đối với hoạt động của tổ chức công đoàn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, NLĐ?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Tổng Liên đoàn được phân công là cơ quan chủ trì soạn thảo, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi tập trung vào một số nội dung cơ bản, trong đó có một số điểm nổi bật là:

Thứ nhất, hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của công đoàn trong bối cảnh mới. Trong đó, Tổng Liên đoàn tập trung nghiên cứu, rà soát sửa đổi các quy định tiếp tục duy trì mô hình công đoàn 4 cấp, đồng thời xây dựng mô hình công đoàn theo hướng mở, năng động, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nghiên cứu, đề xuất tăng quyền chủ động của công đoàn trong việc bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn, phù hợp với sự biến động của tình hình công nhân lao động và quan hệ lao động.

Thứ hai, hoàn thiện quy định về cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Quán triệt quan điểm được xác định tại Nghị quyết 06-NQ/TW về “tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; thu hút NLĐ và tổ chức của NLĐ tại DN tham gia Tổng LĐLĐ Việt Nam, dự thảo Luật tập trung sửa đổi các quy định theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Tăng cường nhiệm vụ chi cho các nhiệm vụ cốt lõi đại diện, chăm lo, bảo vệ NLĐ và hoạt động công đoàn cơ sở; đồng thời, cũng cần thực hiện việc phân phối kinh phí công đoàn trong bối cảnh xuất hiện tổ chức của NLĐ tại DN ngoài hệ thống CĐVN.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho CĐVN thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Trong đó, tăng cường tính chủ động của công đoàn trong thực hiện quyền, trách nhiệm như: chủ động trong thực hiện giám sát đối với cơ quan, đơn vị, DN về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ. Bổ sung các quyền, trách nhiệm của công đoàn trong đại diện, chăm lo và bảo vệ NLĐ phù hợp với các quy định pháp luật đã được Quốc hội ban hành gần đây như Luật Nhà ở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Ngoài ra, trong lần sửa đổi này, Luật dự kiến mở rộng quyền gia nhập công đoàn của các đối tượng như: Người làm việc không có quan hệ lao động, việc gia nhập CĐVN của tổ chức của NLĐ tại DN, phù hợp với định hướng của Đảng và các quy định pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động.

Dự thảo Luật nếu được thông qua với những chính sách và quy định mới sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý cho CĐVN hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi đoàn viên, NLĐ, đồng thời làm tốt chức năng của tổ chức chính trị - xã hội, “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, NLĐ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý Thơ