Đời sống

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày tháng Tư lịch sử

Lương Gia Cát Tường 30/04/2024 - 13:44

Sáng sớm ngày 30/4/1975, tất cả mọi người quây quần xung quanh cái radio 3 băng theo dõi tin chiến sự... Lần đầu tiên, tôi thấy xe tăng xuất hiện trên đường phố. Tăng M113, tăng M48, phất phới cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng, chở bộ đội tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Đúng hai mươi năm sau lời phát biểu của Bác Kiệt và đúng 49 năm sau sự kiện 30/4/1975, cho dù buồn hay vui thì cũng không ai có thể phủ nhận truyền thống đoàn kết, sáng tạo, năng động, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước để có một TP. HCM hôm nay.

160415-nguoi-dan-sai-gon-do-ra-duong-don-quan-giai-phong-1-1-.jpg
Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón quân giải phóng trong ngày 30/4/1975.

Nhớ những ngày tháng Tư lịch sử…

Sài Gòn vào những ngày đầu tháng 3/1975, chiến sự càng lúc càng khốc liệt, các cuộc hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn từ các ngả. Học sinh được cho nghỉ hè sớm. Thời điểm đó, tôi đang học năm cuối trung học.

Nhà tôi ở Quận 8. Trên bản đồ hành chánh, Quận 8 được xếp vào quận nội ô, nhưng trên thực tế đó là một vùng ngoại ô xa xôi, hẻo lánh.

Ba tôi những ngày này vẫn phải bám trụ ở sở làm. Má tôi, một nách 7 đứa con. Không yên tâm để má con tôi ở nhà trong khung cảnh chiến sự đang ác liệt, ba đem cả nhà sang Quận 5 ở chung với cậu mợ tôi trong nhà hàng Thanh Đình, một nhà hàng nổi tiếng bò bảy món của vùng Chợ Lớn. Chỗ đó hiện giờ là Cửa hàng xe máy Quang Phương trên đường Hồng Bàng đối diện Siêu thị Thương mại The Garden Mall (Thuận Kiều Plaza cũ).

Sáng sớm ngày 30/4/1975, tất cả mọi người quây quần xung quanh cái radio 3 băng theo dõi tin chiến sự. Đúng 11h30, Đài phát thanh Sài Gòn phát lời Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi quân đội Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng quân Giải phóng miền Nam và tuyên bố giải tán hoàn toàn chính quyền Sài Gòn. Mọi người nhốn nháo xôn xao bàn tán.

Con đường Hồng Bàng vắng vẻ, yên ắng trước đó bỗng phút chốc ngập tràn âm thanh: Tiếng còi hụ, tiếng hò reo, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, tiếng súng đì đùng rải rác, tiếng động cơ rền rĩ… Những chiếc GMC chở quân lính Việt Nam Cộng hòa hối hả chạy vút qua bỏ lại tiếng la hét, đập phá. Họ quăng xuống lòng đường nào quân phục, mũ nón, cả súng ống. Trên đường, rải rác người mặc áo tù, từng nhóm đàn bà con nít thất thiểu dắt díu nhau đi… Tất cả dội vào lòng tôi một nỗi hoang tàn, trống trải.

Lần đầu tiên, tôi thấy xe tăng xuất hiện trên đường phố. Tăng M113, tăng M48, phất phới cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng, chở bộ đội tiến vào trung tâm Sài Gòn. Mấy chiếc xe cam nhông nết (camionnette: xe tải hạng nhẹ) chở đầy quân giải phóng đầu đội mũ tai bèo, khăn rằn vắt vai, hồ hởi vẫy tay lia lịa. Mấy anh chị chiến sĩ tự vệ Sài Gòn tay áo cài băng đỏ cùng với đám đông dân chúng đổ ra đường chào đón quân giải phóng.

Niềm vui hòa bình pha lẫn nỗi hoang mang, lo sợ của một người đang đi, đường đột bị mất phương hướng. Cảm xúc ấy làm tôi rớt nước mắt.

Mấy ngày sau đó học sinh được trở lại trường, tôi được xếp vào đội ngũ học sinh, sinh viên Sài Gòn tham gia mít tinh mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt vào ngày 07/5/1975, được xuống đường làm vệ sinh đường phố, được cùng người dân Sài Gòn đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự lễ mừng chiến thắng vào sáng 15/5/1975. Từ hoang mang, lo sợ, hoài nghi, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ trong tôi hòa cùng niềm vui được sống trong hòa bình bừng bừng trỗi dậy. Tôi bắt đầu tập tành theo chúng bạn “đi làm cách mạng”.

Những năm tháng hừng hực khí thế lao động trên các công trình thủy lợi, các nông trường, các công trình xây dựng đã trở thành một phần đời hoành tráng, tinh khôi và trong trẻo của tôi. Nó giúp tôi trưởng thành và nuôi lớn tình yêu Tổ quốc trong tôi, thứ tình yêu rất thật, rất cụ thể, tưởng chừng có thể sờ mó, cầm nắm được chứ không phải chỉ là những cảm nhận mông lung trên trang sách học trò.

Tháng Tư hôm nay

Giữa tháng 3, tôi được tham gia Hội Báo Xuân toàn quốc năm 2024 được tổ chức lần đầu tiên tại TP.HCM. Đây là cuộc hội tụ của những người làm báo cả nước với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng TP.HCM và các tỉnh phía Nam cùng du khách đến xem. Hội Báo là dịp nêu bật vai trò của báo chí truyền thông trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực; Tôn vinh thành tựu và thể hiện lòng tự hào về truyền thống 99 năm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Tháng Ba Sài Gòn nắng như nung. Từ nơi tổ chức Hội Báo Xuân nhìn ra, Ga trung tâm Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên như một cái giếng trời khổng lồ với mái lấy sáng có hình hoa sen tuyệt đẹp như thể làm cho cái nắng Sài Gòn dịu bớt. Nhà ga nằm ngay khu vực trung tâm TP.HCM, bên cạnh chợ Bến Thành, hứa hẹn sẽ trở thành một trong những biểu tượng của TP.HCM trong tương lai, là điểm vui chơi, “check-in” của người dân và du khách khi đến với Sài Gòn.

Còn nhớ vào năm 2017, để xây dựng nhà ga, khu vực bùng binh Sài Gòn được lập rào chắn cùng với việc di dời bức tượng Trần Nguyên Hãn và tượng liệt nữ Quách Thị Trang trước đó, đã khiến cho hàng triệu con tim người Sài Gòn thổn thức. Trong khi tượng đài Trần Nguyên Hãn uy nghi lẫm liệt, trên tay cầm con chim bồ câu, mặc áo giáp sắt phi ngựa giữa sa trường, được đưa về công viên Phú Lâm thì tượng Quách Thị Trang được chuyển về công viên Bách Tùng Diệp.

Cơ quan tôi nằm kề sát bên Bách Tùng Diệp, khi đó, mỗi ngày qua đây cà phê, nhìn bức tượng bán thân nằm trong một góc công viên giữa hanh hao nắng gió, tôi hay nghĩ về lòng bao dung của người Sài Gòn, về một linh hồn tượng đá… rồi đâm buồn ngang.

Đầu năm 2023, mặt bằng khu vực này được Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM khôi phục và hoàn trả. Và 30/4 năm nay, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ chạy thử nghiệm toàn tuyến trước khi đưa vào khai thác thương mại. Mặc dù cái bùng binh được thay thế bằng một ngã tư, nhưng hai pho tượng Trần Nguyên Hãn và liệt nữ Quách Thị Trang sắp tới sẽ được tôn tạo và di dời về địa điểm cũ. Cám ơn sự thấu hiểu của lãnh đạo thành phố dành cho người Sài Gòn.

Để phục vụ cho sự đổi mới diện mạo của thành phố, hàng loạt các địa danh có tuổi đời cả trăm năm của Sài Gòn đã trở thành hoài niệm. Với người Sài Gòn, một chút ngậm ngùi, tiếc nuối là có thật.

bason1.jpg
Toàn cảnh cầu Ba Son nhìn từ trên cao.

Nhưng khi hàng cây cổ thụ xà cừ trăm năm tuổi trên con đường Cường Để (Tôn Đức Thắng) mất đi đổi lấy cây cầu Ba Son nối đôi bờ sông Sài Gòn, được thông xe vào một ngày cuối tháng tư đầy nắng năm 2022, thì người Sài Gòn hiểu rằng, đó là quy luật tất yếu của sự vận động phát triển. Và thấu hiểu bất cứ sự thay đổi nào cũng xuất phát từ mong muốn Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một siêu đô thị trong tương lai, một hòn ngọc viễn đông như nó đã từng.

Lương Gia Cát Tường