Kinh tế

Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên TP.HCM: Từ giấc mơ đến hiện thực

Thiên Nhã -Phú Quý 30/04/2024 - 08:32

TP.HCM đang trên đà hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng với mạng lưới metro đầy tham vọng. Dự án này hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến sẽ bắt đầu vận hành vào quý 4/2024.

Hệ thống Metro TP.HCM bao gồm 8 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220 km. Toàn hệ thống có tổng cộng 175 nhà ga, trải dài khắp các quận huyện nội thành và ngoại thành. Dự án được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007, khởi công vào năm 2008 với tổng vốn đầu tư ước hơn 25 tỷ USD.

ga-ben-thanh2.jpg
Nhà ga Bến Thành

Dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao; có tổng cộng 14 nhà ga, với 3 ga ngầm là ga Bến Thành, ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son. 11 ga còn lại là các nhà ga trên cao: Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia và Bến xe Suối Tiên. Tuyến Metro số 1 bắt đầu tại ga Bến Thành, đi ngầm 2,6 km qua ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son tại khu đô thị Vinhomes Golden River. Sau đó, tuyến sẽ đi trên cao 17,1 km theo rạch Văn Thánh, vượt qua sông Sài Gòn và chạy dọc theo Xa lộ Hà Nội, kết thúc tại ga cuối Suối Tiên, ngay phía trước Bến xe miền Đông mới.

Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các Quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương). Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM dự kiến dự án sẽ vận hành thương mại vào quý 4/2024.

Theo kế hoạch, trong quý 3/2024, công trình Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ triển khai các phần việc: Rà soát đánh giá an toàn hệ thống; thực hiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy; hoàn tất đào tạo nhân sự lái tàu, vận hành, quản lý nhà ga, điều độ, bảo dưỡng...

ga-ben-thanh.jpg
Cửa vào nhà ga Bến Thành.

Đến quý 4 năm nay, dự án Metro số 1 sẽ hoàn thành công tác nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, hoàn thành cấp chứng chỉ và thẩm định an toàn hệ thống cho các nhà ga còn lại. Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cũng sẽ tiến hành kiểm tra nghiệm thu các hạng mục còn lại. Đây cũng là thời điểm chủ đầu tư đặt ra mốc tiến độ vận hành thương mại toàn tuyến.

Hệ thống Metro TP.HCM là một dự án giao thông trọng điểm, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Đối với giao thông, Metro là phương tiện di chuyển nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông đường bộ, từ đó giảm thiểu ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, Metro sử dụng năng lượng điện, góp phần giảm thiểu khí thải ra môi trường, cải thiện chất lượng không khí. Hệ thống Metro cũng giúp kết nối các khu vực trong thành phố một cách dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại các khu vực ngoại thành.

Hệ thống Metro TP.HCM dự kiến mang lại nhiều thay đổi tích cực cho đời sống xã hội của người dân. Metro giúp người dân di chuyển dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Người dân có thể dành thời gian cho gia đình, bạn bè và các hoạt động giải trí khác, góp phần vào việc thay đổi thói quen của người dân bằng sự tiện lợi và nhanh chóng của Metro. Người dân dần hình thành thói quen di chuyển bằng phương tiện công cộng thay vì xe máy cá nhân. Điều này góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Sự xuất hiện của tuyến tàu điện này đã và đang thu hút các dự án đầu tư bất động sản, thương mại và dịch vụ tại các khu vực xung quanh ga Metro. Điều này góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, tạo nên những khu đô thị hiện đại, văn minh mới xung quanh khu vực khang trang, hiện đại góp phần thay đổi cảnh quan thành phố, tạo nên diện mạo mới cho TP.HCM.

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà hệ thống Metro mang lại, một số tác động tiêu cực có thể xảy ra cũng cần được lưu ý. Chẳng hạn như những ảnh hưởng liên quan đến môi trường, đời sống người dân, vấn đề an ninh...

Khi được thiết kế cảnh quan hài hòa với môi trường xung quanh, Metro sẽ trở thành điểm nhấn cho cảnh quan đô thị hiện đại. Các biện pháp an ninh như bố trí camera giám sát, lực lượng an ninh tuần tra,... để đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng Metro cũng phải được lên kế hoạch và chuẩn bị trước khi hệ này được đưa vào hoạt động. Với sự quan tâm và đầu tư đúng đắn của chính quyền, hệ thống Metro hứa hẹn sẽ trở thành phương tiện di chuyển chủ lực của người dân TP.HCM trong tương lai.

Thiên Nhã -Phú Quý